Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Nguyễn Trọng Tạo – Viết gì cho hôm nay?
Trích…
Về nhà mở máy ra chả biết viết gì. Cái gì cũng đầy trên mạng. Chuyện chính trị ngồi đâu cũng dính vào, nhưng mở trang chủ của làng blog Việt thấy treo câu cấm đoán: CẤM BÀN CHUYỆN CHÍNH TRỊ. Thực ra chuyện chính trị thì bàn mãi không hết, chính trị ngày hôm trước đẻ ra chính trị ngày hôm sau. Càng bàn càng rối, càng thối đến nỗi trong bữa ăn có người còn kêu lên: đừng bàn chuyện đó nữa ăn mất ngon. Ngừng một lát, chuyển chủ đề một lát lại quay về chính chị chính em lúc nào không biết.
Vậy mà viết lên mạng, đưa đường lin lên mạng cũng bị cự nự đủ điều, có khi toi luôn cả blog lẫn web. Vậy thì bàn chuyện XÃ HỘI. Chuyện xã hội đời sống dân sinh nói ra sự thật có sáng có tối. Nhưng nói phần tối lại sợ bị quy “phản động”. Chao ôi, sao cái nước mình lắm bọn phản động thế. Nó ở khắp nơi, trong nhà ngoài ngõ, nó nằm mai phục trong chính cái đầu của mỗi người. Thì nói chuyện KINH TẾ vậy. Khốn nỗi, dây vào chuyện kinh tế là đầy rẫy chuyện băng nhóm móc ngoặc tham ô tham nhũng hối lộ ăn chia sát phạt… Ở vùng này không chỉ tăm tối mà còn đen đặc bóng ma đủ hình đủ dạng từ cao xuống thấp từ thấp lên cao chức quyền bàn ghế. Chỉ mới viết ngấp nghé mấy cái chuyện đen đen đỏ đỏ là lập tức có lời nhắc nhở:
- Bác Tạo ơi, đừng dây chính trị nhé; sáng tác thơ nhạc đi cho chúng em nhờ.
- Chú Tạo ơi, neo nhà cẩn thận, mùa này giông bão kinh khủng lắm.
Nghe những người yêu mến khuyên răn mà lo vãi đái. Nhưng định thần ngẫm lại: Làm cái anh nhà văn mà thoát ly CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, XÃ HỘI thì ra cái anh nhà văn gì? Nhà văn cạo giấy, nhà văn bồi bút, nhà văn trên mây…
Nước ta các nhà lãnh đạo văn nghệ văn hóa lúc nào cũng nóng ruột kêu gọi phải có TÁC PHẨM LỚN, TÁC PHẨM ĐỈNH CAO… nhưng cái tư duy “phạm húy cấm kị” cực đoan nó đã và đang tiêu diệt những mong muốn lớn cao mà họ đang kêu gọi. Cứ y chang cái anh mồm thì nói còn tay thì vả vào mồm. Rốt cuộc mồm nói không ra lời mà tay thì ngày càng đau, e chừng đến lúc tay mồm cùng bại liệt.
Vậy tôi viết gì hôm nay đây? Tôi phải viết từ đáy lòng tôi với nỗi đau và niềm vui của dân mình. Ngày xưa Phùng Quán bị treo bút mà vẫn viết: ĐÃ ĐI VỚI NHÂN DÂN THÌ THƠ KHÔNG THỂ KHÁC. Nghĩa là thơ không thể khác lòng dân được. Vì vậy nhà thơ mới được nhân dân yêu quý và gìn giữ. Và các quan – nếu đứng về phía nhân dân thì chắc họ cũng sẽ yêu quý những gì mà dân yêu dân quý. Ông quan WTO Trương Đình Tuyển có lần đọc thuộc một bài thơ mà ông tâm đắc nhặt được trên báo cho tôi nghe khiến tôi thấy thật sự trân trọng ông. Đó là bài thơ THƯỜNG DÂN của Nguyễn Long:
THƯỜNG DÂN
Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông.
Khi làm cây mác cây chông
khi thành biển cả khi không là gì
Thấp cao đâu có làm chi
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi.
Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vẫn lặng im
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn
Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành.
Hòa vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân…
Và khi trút áo quan thì những ông quan đi đâu? Họ đâu phải Thánh Gióng mà thoát lên trời? Câu thành ngữ xưa thật nhỡn tiền: Hết quan hoàn dân.
Vậy mấy ông quan hoàn dân có được BÀN CHUYỆN CHÍNH TRỊ không? Tôi tin họ sẽ là những tụ điểm của những câu chuyện thâm cung bí sử về CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, XÃ HỘI trong đời sống nhân dân. Lúc ấy họ có nghĩ là họ sẽ bị cấm không?
Hãy để cho toàn dân tham gia vào câu chuyện CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, XÃ HỘI của đất nước và thế giới. Hãy gỡ bỏ trên các nội quy trang mạng câu khẩu hiệu CẤM BÀN CHUYỆN CHÍNH TRỊ. Có như thế, xã hội ta mới có những tác phẩm LỚN (chứ không phải Lợn) cho ngày nay và cho đời sau.
Hà Nội, 4.11.2010
Nguyễn Trọng Tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét