Trang

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

RƯỢU MÁU

 Nguyễn Long

Truyện ngắn 

          Sau cuộc gia biến năm Đinh Dậu, Trần Liễu đã được gia phong là An Sinh Vương và cắt cho vùng Đông Triều, Yên Hưng làm thực ấp. Triều đình lại cấp cho nhiều tiền bạc xây dựng Yên Sinh trang uy nghi lộng lẫy chẳng kém gì thái ấp của vua để tĩnh dưỡng tinh thần. Ngày ngày quây quần với vợ đẹp con khôn, gấm vóc vàng bạc đầy nhà, sơn hào hải vị, rượu ngon đủ thứ mà ông sống vẫn không yên. Có ngày ông thẫn thờ ra nhớ vào quên như nguời mất trí. Có hôm tự dưng ông nổi đóa lên như một kẻ điên. Rồi chạy ra vó trường một mình múa kiếm, phóng đao huỳnh huỵch như đang đánh nhau với ai. Đánh chán lại gầm lên, rồi trợn mắt, nghiến răng lấy hết sức chém vào cây, đập vào đá cho tới khi kiếm chùn gậy gẫy, da tay rách nát bật máu, người khụy xuống ông mới chịu dừng. Những lúc như thế đám gia nhân sợ xanh mắt trốn biệt không ai dám ló mặt ra. Bọn đàn bà con gái thì ôm chặt lấy mấy đứa nhỏ đang kinh hãi khóc thét lên và rấm rứt khóc theo chúng. Chỉ có hai anh em Quốc Tung, Quốc Tuấn mới hơn mười tuổi là dám ở bên cha. Hai đứa chạy theo ông ra võ trường đứng nhìn ông giận dữ chém đập một mình. Hai đôi mắt ngây thơ hết nhìn cha rồi lại nhìn nhau ánh lên vẻ vừa sợ sệt vừa ngỡ ngàng. Khi ông gục xuống như cái xác không hồn, hai tay bê bết máu thì hai đứa cùng chạy lại vừa khóc vừa gọi cha ơi và mỗi đứa một bên nâng ông dạy. Lúc đó đám gia nhân mới ùa ra dìu ông về phòng. Phu nhân cùng mấy thị nữ vừa lau rửa, xoa bóp cho ông vừa sụt sùi trong tiếng nấc: “Mọi việc đã qua lâu rồi mà tướng công còn tự hành hạ thân xác mình mãi cho khổ”. Ông nằm như người chết, lặng im không trả lời. Cái chuyện ấy nhiều lúc ông cũng cố quên đi cho vợ con, nhà cửa được yên hàn. Nhưng càng muốn quên ông lại càng hay nghĩ tới nó. Lúc ấy người ông tự dưng nóng bừng lên, xương tủy như có kim châm, kiến đốt. Đúng là mọi việc đã qua hơn hai năm rồi mà nhiều khi ông tưởng như mới hôm qua…


          Từ khi công chúa Thuận Thiên phu nhân của ông có mang Quốc Khang, ông đã nghe thấy những lời bàn tán trong hoàng tộc và linh tính có sự chẳng lành. Cũng như mọi chuyện của gia tộc, vương triều, xã tắc, cái điều ông mơ hồ cảm thấy ấy đổ xuống gia đình ông bắt đầu từ một buổi họp hoàng tộc. Vẫn bộ mặt quyền biến và giọng nói chém đanh chặt sắt của Trần Thủ Độ mà từ nhỏ ông đã vừa sợ vừa căm ghét đứng lên trước mọi người. Mắt ông hoa lên, tai ù đi sau câu tuyên bố lạnh băng của thượng phụ: “Bởi lợi ích dài lâu của dòng tộc và xã tắc nên mọi người phải chịu thiệt đi cái yên hòa. Vì hoàng hậu lâu ngày không có con nên nay phải giáng xuống làm công chúa, lập chị gái lên thay làm hoàng hậu Thuận Thiên. Với Hoàng thượng và Phụng Càn vương cùng là anh em một nhà, việc thay đổi chỉ là lọt sàng xuống lia chứ chẳng mất đi đâu”.
          Lúc ấy ông nhìn sang thấy cả hai chị em Thuận Thiên và ChiêuThánh đều đã gục xuống trong tay các thị nữ. Còn Thái Tôn thì ngồi ngây như kẻ mất hồn. Ông cũng không biết mình dã nghĩ gì và làm gì. Chỉ nhớ hình như ông đứng dậy định xông tới nhằm vào mặt Trần Thủ Độ mà đấm, nhưng đằng sau có mấy bàn tay giữ chặt lại và kéo ông ngồi xuống. Thuận Thiên bị đưa ngay vào cung sau buổi họp, không được phép chia tay với chồng con. Bây giờ mỗi bận thiết triều hay có việc vào cung, vợ chồng nhìn nhau đã người nào phận ấy, nói năng cư sử theo lễ nghi phép tắc như người lạ. Ông cũng biết Thái Thượng hoàng và Thái Tôn không ai muốn việc này, nhưng không dám trái ý Trần Thủ Độ. Mọi việc lớn nhỏ của vương triều xã tắc, tròn hay méo đều ở trong tay ông ta. Đêm hôm ấy ông lồng lộn như con hổ bị thương, thề sẽ giết lão già ấy để rửa nhục và lập lại kỷ cương hoàng tộc.
          Ngay sáng hôm sau ông đưa toàn bộ gia quyến và binh sỹ xuống thuyền xuôi Nhị Hà về đất Ngự Thiên. Cả hai vùng Long Hưng và Thiên Trường với hơn tám vạn quân trong tay, lai có Tả nhai Phùng Tá Thang làm quân sư nên ông tính chuyện làm lật thành đổ nước. Mấy lần đạo quân của ông đã áp sát Kinh đô khiến Thái Tôn vừa bực bội vừa chán ngán bỏ ngai vàng trốn vào tu thiền ở Yên Tử. Trần Thủ Độ kiên quyết phò vua đã định lập cung điện ở ngay chốn cửa thiền nên vua buộc phải trở lại Kinh thành. Ngày ấy nếu không nể lời của Linh Từ quốc mẫu vừa khuyên giải vừa van xin ông và Phùng quân sư bãi binh để tránh cảnh họ hàng, huynh đệ tương tàn, xã tắc vương triều đổ vỡ thì ông đâu có chịu hòa giải với Thái Tôn. Mối hận thù ấy lại đầy thêm mỗi khi ông nhớ lại lúc anh em hòa giải với triều đình. Lúc ông xuống thang, Thái Tôn cứ ôm lấy ông mà khóc thì chính Trần Thủ Độ tay nhăm nhăm kiếm, mặt hầm hầm đi vào cứ đòi chém ông. Những binh sỹ của ông, Thái Tôn đã hứa sẽ không bắt tội một ai, nhưng Trần Thủ Độ đã ngầm hạ sát gần hết. Trong số đó có hai bộ tướng tả hữu Đỗ Dũng và Phạm Duy là hai cánh tay ông. Đỗ Dũng là cháu ba đời quốc sư Đỗ Đô người làng Ngoại Lãng. Đặng Duy dòng dõi khoa bảng ở hương Mần Để. Cả hai người đều ở đất Long Hưng và bó bện kết nghia anh em với ông tự thuở tộc Trần chưa thành nghiệp đế. Ngày dấy binh đánh Trần Thủ Độ, ông và hai người đã uống rượu máu thề sống chết trả mối hận thù. Bởi hết lòng với ông mà bao người đã chết oan. Mấy năm qua nằm ở nơi gác tía, nhưng ban đêm cứ đặt mình xuống là ông lại nghe thấy những tiếng u u như có âm hồn bên cạnh. Nhiều khi trong lúc mơ màng ông thấy những bóng người nửa lạ nửa quen hiện về nhìn ông vừa oán trách vừa khinh bỉ, rồi cầm những bát rượu máu hắt vào ông. Ông giật mình tỉnh giấc thấy đầy mình nhớp nhúa mồ hôi. Cái cảm giác nóng rát tanh tanh của bát rượu máu như vẫn còn ám vào người.
                                   
                                                * * *
          Những lúc đứng nhìn Quốc Tung và Quốc Tuấn dốc lòng luyện võ dưới sự chỉ bảo của các gia sư, nỗi ấm ức trong lòng An Sinh vương vợi hẳn đi. Từ sau cuộc gia biến ngôi bậc của ông trong triều đình vẫn như là bậc phó vương, chức tước chỉ dưới Thái Thượng hoàng và Thái Tôn. Nhưng ông không còn mặn mà với việc triều chính như ngày nhà Trần mới lập nghiệp vương. Ông chỉ tham dự những buổi thiết triều mà bắt buộc không thể không có mặt. Phần lớn thời gian công sức ông dành cho việc nuôi dạy con cái và củng cố điền trang thái ấp.
Quốc Tung năm nay đã mười ba tuổi, Quốc Tuấn mười hai. Hai đưa từ ngày đẻ ra đã khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chưa phải tốn đến một thang thuốc ho. Lần đầu đến thăm nhà ông, Phùng lão sư nhìn thấy lũ trẻ đã bảo: “Hai đứa này quý tướng khác thường với các bậc vương giả, sau này dễ làm nên nghiệp lớn. Nhưng cũng bởi cái khác thường ấy, nếu không là bậc đại trí nhân thì cũng dễ mất thân mất nghiệp”. Quốc Tung bẩm chất sáng sủa tính nết thuần hậu, nói năng khoan hòa, thích đọc các sách thiền, phật. Quốc Tuấn tính cách dũng lược và ngay thẳng, học hành còn sáng láng nhanh nhẹn hơn anh, lúc bảy tháng tuổi đã cứng cát, chưa biết bò đã đứng dậy tập đi.
Từ lúc hai đứa còn nhỏ ông đã bỏ tiền mời các thầy giỏi về dạy chúng học. Đặc biệt từ ngày bị cướp vợ, An Sinh vương dồn hết tâm lực vào chúng. Ngoài môn võ quyền của dòng tộc tự mình truyền dạy, ông còn mời các đại võ sư Phùng Tá Thang, Phạm Kính Ân, các đại thiền sư Tiêu Diêu, ứng Thuận về trực tiếp rèn dạy các con.
Là một võ tướng giỏi, nhìn các con ra đòn ông biết công lực chưa đủ mạnh. Nhưng bất chợt ông sửng sốt nhận thấy thấp thoáng ánh lên những nét thần diệu khi ra kiếm vào quyền của Quốc Tuấn. Lòng bỗng sáng lên và ông nở nụ cười đầu tiên từ sau cơn vận hạn. Tối hôm đó ông cho gọi Trần Cư bộ tướng coi việc trang binh, một người họ xa và tin cẩn của ông lên phòng, bảo:
- Ta có một việc trọng, muốn nhờ ông vất vả đi xa một chuyến không biết ông có vướng bận gì không?
- Bẩm tướng công chỉ sợ việc lớn sức tiểu nhân không lo nổi, còn dù xương trắng ở nơi viễn xứ tiểu nhân cũng không ngại - Trần cư đáp.
- Đây là chuyện không có người thứ ba biết. Ta nhờ ông lên phương Bắc tìm một vị Đạt Ma  là Du Chi Bà Lam ở xứ Tây Tạng. Ta nghe biết và mê sự thần diệu của tu pháp cũng như võ công Mật giáo từ lâu. Tên tuổi ông đã được tụng truyền, nhưng ta chưa có duyên được gặp. Nay muốn mời ông ta về đây để được bái kiến và nhờ truyền dạy cho các công tử. Đường xá từ đây đến Tây Tạng xa xôi hiểm trở, đi về có khi mất cả năm trời. Ông vì ta đi thử một chuyến, nếu trời giúp thì việc sẽ thành. Nhớ thu xếp công việc, chọn những người khỏe và phải mang theo nhiều tiền bạc. Khi nào lên đường được thì bẩm với ta. Với mọi người thì cứ nói là đi việc như thế…như thế.
Mươi ngày sau ở Kinh thành có tin đồn Trần Liễu cử một bộ đoàn gánh bạc đi lên phía Bắc kết giao với nhà Tống đẻ trả thù việc bị cướp vợ. Thái Tôn cho mời Trần Thủ Độ vào cung hỏi:
          - Thượng phụ có biết việc An Sinh vương đang tính chuyện làm phản không?
          Thái sư chậm rãi trả lời:
          - Thần biết từ lúc nó chưa cho người gánh bạc ra khỏi nhà. Thằng phản tặc ấy có róc hết xương đập nát tủy thì nó mới hết thù thần và không còn ý định cướp ngôi báu. Nhưng thần biết nó có thể làm giặc chứ không phải là hạng đi ôm chân ngoại bang về dày xéo dòng tộc xã tắc. Ngày trước nó dám làm loạn vì còn hơn tám vạn quân trong tay. Bây giờ như con hổ đã bị bẻ nanh, chặt vuốt, nó còn làm được gì. Xin bệ hạ cứ yên tâm. Mấy năm nay nó đã sao nhãng việc binh, chỉ còn biết chăm chắm với vợ con và kiến thiết trang ấp. Nó cho người đi chuyến này là tính chuyện mua bán vật lạ, của quý làm giầu. Ta đã chặt hạ tay chân của nó rồi cho trang ấp tiền bạc, bệ hạ chẳng thấy là thượng sách đó sao?
          Thái Tôn cười rồi thở dài:
          - Đúng là không người nào, việc nào trong cung ngoài triều qua được mắt thượng phụ.
          Tràn Cư đi đúng một năm ba tháng thì trở về cùng Du Chi Bà Lam. An Sinh vương mừng lắm, cho mở tiệc hậu đãi và đối sử với Đạt Ma như ân nhân trong nhà. Cư về được ít ngày thì đổ bệnh trọng. Đường sá núi non hiểm trở và mưa tuyểt lạnh xứ Bắc đã làm ông nhiễm chứng thương hàn. An Sinh cho mời thầy giỏi, cắt thuốc quý và ngày đêm luôn ở bên cạnh chăm sóc. Khi Cư hấp hối, ông ôm lấy mà khóc và than rằng: “ Lại một người nữa vì ta bỏ mạng sống. Các con ta sau này có nên nghiệp lớn thì cũng nhờ ở công lao này”. Lúc Cư mất ông cho làm tang lễ và đặt thờ tự như người ruột thịt trong nhà.
                                                * * *
          Một ngày Đạt Ma bảo An Sinh vương: Tôi ở đây đã hơn một năm, các cậu tu tập đã nâng cao được nhiều nội lực. Nay xem căn cơ, cả hai đã qua tuổi mười lăm và tâm lực thấy đã cao sáng, tới lúc có thể khai mở được các huyệt đạo. Việc khai mở các luân xa là căn cốt của con đường tu tập. Với nhiều người bình thường có khi tu luyện cả đời cũng chưa đạt tới cơ duyên. Người chưa hội đủ tâm lực mà huyệt đạo bị khai mở sẽ tẩu hỏa nhập ma. Con rắn lửa và ma chướng tiền kiếp sẽ nhập vào trí não, thân thể, nếu không chết cũng điên loạn cả đời. Quốc Tung bẩm chất mạnh về nhu hòa, bác ái. Khi các huyệt đạo được mở, sau này luân xa tâm phật sẽ phát khởi. Còn Quốc Tuấn tinh thần cao sáng mạnh mẽ, các luân xa thiên nhãn, thiên ý sau này sẽ tỏa rạng Linh quang. Kẻ phát khởi tâm phật  sẽ có chính kiến của một bồ tát. Người có Linh quang sẽ thành bậc đại trí nhân, lãnh hội được ý trời. Trong hàng trăm vạn người may mắn mới có được một người như thế. Tuy nhiên tâm đạo có thành hay không còn trông vào việc tự tu học từ nay về sau. Người thường với thánh nhân cách nhau xa lắm mà cũng gần lắm. Ngày mai vào giờ tốt xin tướng công lập đàn tế trời đất và cho các cậu ăn chay, tắm gội sạch ba ngày trước khi làm lễ.
          Mở xong huyệt đạo cho hai anh em Quốc Tung, Đạt Ma xin phép lên đường. An Sinh cứ khẩn khoản xin thầy ở lại truyền dạy thêm cho các con. Đạt Ma bảo: Việc của tôi đã xong, có ở lại lâu hay chóng cũng không giúp được gì nữa. Nói xong rồi đi...
          Mùa xuân năm Đinh Mùi hiệu Thiên ứng Chính Bình, triều đình mở khoa thi tam giáo. Quốc Tung và Quốc Tuấn tuy trẻ tuổi nhất trong đám sỹ tử nhưng cả hai đều đỗ đầu bảng. Khi triều đình bàn bàn việc cử nguời trông coi việc ở Quốc học viện, Thái Tôn bảo:
          - Quốc Tung, Quốc Tuấn tuy tuổi còn trẻ nhưng văn hay võ giỏi, lại thông về binh pháp, đạo thiền nên giao cho việc kèm dạy môn sinh.
          Vua chưa dứt lời, Trần Thủ Độ đã đứng bật dậy, nói:
          - Thưa bệ hạ, Quốc học viện là nơi tụ tập và rèn dạy những hiền tài để phụng sự vương triều, xã tắc. Hai con Trần Liễu tuy có tài nhưng tâm địa chưa chắc đã hướng về triều đình. Nếu để ở đó thần sợ dễ kéo bè lập cánh sinh loạn quân nghịch đảng. Trước mắt nên cho cả hai coi việc ở các vùng hẻo xa để trông chừng, thử thách. Nếu thực lòng với triều đình thì về sau trọng dụng cũng không muộn.
          Đầu năm sau Quốc Tung được cử đi trấn nhậm ở đất Hòng Lộ, Quốc Tuấn về trấn nhậm ở vùng A Cảo.
          Vào thời gian đó, An Sinh vương mới bước sang tuổi bốn mươi nhưng ông luôn đau yếu bởi chứng buốt đầu, khó thở. Các thầy thuốc giỏi ở các nơi được mời về thăm bệnh, mười người đều nói như một:" Thân thể bị uất ức lâu ngày, hoả khí bốc lên thấm vào lục phủ ngũ tạng. Bệnh tự tâm không có thuốc nào chữa khỏi. Chỉ có tự tâm hoà điều và tĩnh dưỡng nhiều mới mong đỡ dần." Mùa đông năm Tân Hợi biết mình bệnh trọng khó qua khỏi, ông cho người tìm cháu con về gặp mặt. Ngày con cháu tụ hội đông đủ, ông thấy người khoẻ khoắn, tinh thần sảng khoái hơn nên đòi tắm nước thơm, mặc bộ triều phục và bảo làm lễ tiên tổ. Lễ xong, ông đuổi hết đám gia nhân và đàn bà con gái xuống nhà rồi chậm rãi nói: " Các con nay đã trưởng thành nhưng chắc còn nhớ cuộc gia biến năm Đinh Dậu. Ngày ấy cha làm loạn không phải vì tham ngôi báu, quyền hành. Cha vào cung làm con rể họ Lý từ lúc vua Huệ Tông còn đang ngự vì. Nhà Lý đến ngày mạt vận, vua Huệ Tông biết nhà Trần trước sau cũng tiếm ngôi nên đã có ý cho con gái cả Thuận Thiên được làm Hoàng hậu và truyền ngôi cho cha. Vì cha là rể lại là trưởng nam tộc Trần. Nhưng Trần Thủ Độ lúc đó đã nắm mọi việc trong triều nên ép vua nhường ngôi cho Chiêu Hoàng mới bảy tuổi. Rồi tính chuyện gả gán cho Trần Cảnh, lúc đó mới tám tuổi và đưa Cảnh lên làm vua để dễ bề chuyên quyền. Nếu chỉ có vậy thì cha cũng nhịn cho yên chuyện. Nào ngờ hơn chục năm sau, Chiêu Hoàng không có con ông ta lại ép mẹ cả các con đang có thai ba tháng lấy Trần Cảnh làm nhà ta tan cửa nát nhà. Lúc ấy cha đã thề sống chết không cướp được ngôi báu thì cũng phải giết Trần Thủ Độ để rửa hận. Sau bởi nghĩ tới Thái Thượng Hoàng và Thái Tôn, nhưng chủ yếu vì các con mà cha hoà binh với triều đình. Các con lúc ấy còn nhỏ, nếu cha chết thì chẳng biết sẽ ra sao. Từ đó cha nuốt hận để dồn sức nuôi dạy các con thành tài".
          Bỗng nhiên ông dừng lời và gọi người mang ra bát rượu hoà máu, để trước mặt rồi nói tiếp: “Đây là bát rượu ngày trước cha đã uống với hai người anh em kết nghĩa thề sống chết trả mối thù nhà. Song việc chưa thành và cũng vì nhà ta mà họ bị chết oan. Nay cha biết trời không cho mình sống nữa, mong các con cùng uống bát rượu này để nhớ lấy thù. Ngày nào chi trưởng nhà ta chưa đoạt được ngôi báu để rửa hận thì dù ở dưới suối vàng cha cũng không được yên lòng". Nói xong ông bê bát rượu lên uống một hớp, nhưng chưa nuốt được thì một cơn ho rũ rượi làm rượu chảy đỏ cả chòm râu lấm tấm bạc. Quốc Tung và Quốc Tuấn cùng chạy tới đỡ cha rồi láy khăn lau sạch những vết rượu máu trêm mặt ông. Lúc ông định thần, Quốc Tuấn ngập ngừng định nói, nhưng Quốc Tung giơ tay làm hiệu ngăn lại. Tung im lặng bê bát rượu lên uống hết một nửa rồi đưa cho em. An Sinh vương quay ra chợt nhìn thấy Quốc Tảng con trai đầu của Quốc Tuấn mới sáu tuổi cũng có mặt. Ông gọi lại cầm tay và bảo: "Người xưa nói thù ba đời chưa trả chưa phải là muộn. Nếu cha cháu mà chưa làm được vua thì đời cháu cố lấy ngai vàng cho ông nhé". Quốc Tảng nói ngây thơ: "Cháu chơi trò làm vua rồi ông ạ, làm vua thích lắm, nói gì mọi người cũng phải nghe. Vua thích chém ai thì chém, thích cưỡi ai thì cưỡi. Lớn lên cháu sẽ làm vua"
          Đêm hôm đó An Sinh vương trút hơi thở cuối cùng, bên cạnh có đầy đủ con cháu. Lúc ông mất nhưng hai mắt vẫn không chịu khép. Khi cả hai anh em Quốc Tung và Quốc Tuấn cùng vào vuốt mắt cho cha thì mắt ông mới từ từ nhắm lại.

                                                * * *

          Mùa xuân năm Mậu Tý hiệu Trung Hưng, vương triều xã tắc vẫn còn rộn rã sau cuộc bình giặc Thát lần thứ ba. Cháu con chi trưởng tộc Trần kéo nhau về An Sinh trang làm giỗ Trần Liễu. Đây là lần giỗ được tổ chức long trọng nhất từ trước tới nay. Các quan văn võ trong ngoài triều, trên là vua Nhân Tông, dưới là các quan ở các phủ lộ đều tới thắp nhang bái lạy. Trần Quốc Tuấn bây giờ là Bắc bình Đại nguyên soái. Mấy lần đánh giặc Nguyên vua đều giao cho ông quyền Tiết chế tổng chỉ huy ba quân của triều đình. Là một bậc tướng hội đủ tài văn võ, đức độ ông ra quân trăm trận trăm thắng. ở trong ông được vua tin, dân mến. Bên ngoài giặc chỉ nghe tên ông đã bạt vía kinh hồn, chưa đánh đã dẫm lên nhau mà chạy. Ông được coi là trụ cột của triều đình. Mọi việc của sơn hà xã tắc vua nhất nhất thỉnh ý ông. Anh trai ông Trần Tung đã thành Tuệ Trung thượng sỹ, một bậc tổ của phái thiền Lâm Tế. Thượng sỹ được gọi là ông Phật cầm gươm, bởi ông sống hòa quang đồng trần như một bậc giác ngộ giữa trần thế. Tuy tu thiền một cách rốt ráo nhưng ông không tách mình với cuộc đời bụi bặm. Những lần giặc Thát cướp nước, ông đều cầm quân xông pha trận mạc như một tướng lĩnh. Giặc tan ông lại về Dưỡng Chân trang, nơi thực ấp của mình để luận thiền và tu niệm. Ông không ngồi thiền như Thanh văn, chẳng giảng pháp như Bồ tát mà tìm thấy ánh sáng của thiền đạo ngay giữa lòng thế tục. Dù vẫn có vợ con và không xuất gia một ngày nhưng ông vẫn được vua Nhân Tông, sau là tổ của thiền Trúc Lâm, tôn là bậc thầy đã khai sáng cho tâm mình. Hai anh em ông kẻ đời, người đạo uy danh sừng sững như hai nóc nhà trùm lên vương triều xã tắc.
          Khi khách xa gần tới dự giỗ đã về hết, Bắc Bình Đại nguyên soái gọi con cả bây giờ đã là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng cho người mang lên một bát rượu máu đặt lên bàn thờ. Ông bảo mọi người thắp nhang và cùng vái thân phụ một lần nữa. Lúc khấn xong Quốc Tảng nói:
          - Con tưởng cha và thúc phụ đã quên bát rượu máu của chi tổ.
          Tuệ trung  thản nhiên hỏi: Quên thì sao, không quên thì sao?
          - Không quên sao không chịu đoạt lấy ngôi báu. Trong cung, ngoài triều có ai là không nể cha và thúc phụ. Muốn lật đổ vương triều cũng dễ như lấy đồ vật trong túi. Bao nhiêu năm nay chi trưởng nhà ta vãn phải khoanh tay, cúi đàu trước chi thứ mà cha và thúc phụ không thẹn với chi tổ, với uy danh của mình sao - Trần Quốc Tảng nói một hơi như đã dồn nén lâu ngày.
          Bắc Bình nguyên soái đại vương giận sôi người. Ông quắc mắt và rút gươm xông tới định chém Quốc Tảng. Tuệ Trung và mọi người xô vào can ngăn và van xin mãi ông mới vứt gươm xuống đát, bảo: “Bao nhiêu năm ta nuôi dạy như thế mà nó vẫn tăm tối, lại muốn mang ý của một người trùm lên ý trời. Liệu ai cũng nghĩ như nó thì dòng tộc, xã tắc có được ngày hôm nay không. Từ nay tới ngày nhắm mắt, ta không nhìn thằng nghịch tử, phản thầy, hại nước này nữa”.
          Ngay sau đó Quốc Tảng bị đày ra trấn giữ vùng Cửa Ông. Ngày Bắc Bình đại vương mất, Tảng mới được phép trở lại Kinh thành chịu tang cha.
 

                                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét