Trang

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Nguyễn Bích Lan, phép màu sống trong chờ đợi


Hơn hai mươi năm chờ đợi, nhưng không có sự kỳ diệu nào của y học giúp cho Lan vượt qua được bệnh tật để sống một cuộc sống bình thường. Sự sa sút và đớn đau thân thể lúc nào cũng dồn cô về phía cái chết. Nhưng nghị lực, trí thông minh và nhất là tình yêu cuộc sống và sự say mê học hỏi, sáng tác và làm việc là phép màu đã vực Lan dậy và chắp cho Lan đôi cánh để Lan làm được những điều kỳ diệu mà rất nhiều người khỏe mạnh bình thường cũng không làm được.



NGUYỄN LONG

Cô bé Lan bắt đầu sống trong chờ đợi từ cái tuổi còn vô tư  cắp sách tới trường. Hồi học cấp I trường làng, Lan là cô bé xinh xắn, khoẻ mạnh và học giỏi toàn diện, bao giờ cũng đứng nhất lớp. Lên cấp II cô được chọn vào lớp chuyên Văn trường huyện ở thị trấn Hưng Hà. Lan vừa bước sang tuổi 13 thì một căn bệnh như từ trên trời đổ xuống đầu. Một buổi sáng từ nhà đến trường, Lan bất ngờ cảm thấy hai đầu gối tê điếng và người ngã gục. Cú ngã cũng nhẹ nhàng, nhưng đầu gối cô cứ co gập lại và đôi chân cứng đơ không tự đứng dậy được. Những ngày sau đó cô lại vấp ngã nhiều hơn và người Lan cứ gầy dộc đi. Bố mẹ Lan đưa cô đi điều trị  mấy tháng khắp các bệnh viện ở Thái Bình mà bác sỹ vẫn bó tay, bệnh tình Lan vẫn không thuyên giảm. Sau đưa Lan lên Hà Nội, phải chuyển qua chuyển lại 14 bệnh viện. Cô không thể nhớ nổi mình đã bị rút bao nhiêu ống máu, chịu đau đớn mấy lần rút tuỷ, cắt thịt để làm những thí nghiệm đặc biệt. Một thạc sỹ ở bệnh viện Bạch Mai chuẩn đoán Lan bị chứng bệnh hiểm Loạn dưỡng cơ tiến triển. Trẻ em bị bệnh này có thể chết sớm do sẽ biến chứng qua tim. Điều đáng buồn là hiện nay khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc và phương pháp đặc trị. Và ông an ủi mẹ con Lan: phải chờ đợi.

          Nghe thông báo trên, mẹ Lan quay cuồng như trời đất sụp đổ. Nhưng thật kỳ lạ, qua mấy tháng lê la khắp các bệnh viện, sau bao nhiêu mệt mỏi bệnh tật, đớn đau, sau nhiều lần đã mơ tới cái chết và Lan nghĩ mình có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng lúc này cô biết mình chưa thể chết, cô chỉ muốn được về quê sống chờ đợi yên bình trong căn nhà với những người thân yêu của mình. Và cô đã nắm tay mẹ, an ủi: Về nhà thôi mẹ, con vẫn chưa chết cơ mà.
          Hình như nghị lực của con gái đã truyền cho mẹ Lan những tia hy vọng. Từ đó bà lấy lại tinh thần và còn luôn động viên con: Trời xanh có mắt, con gái của mẹ ngoan, hiền có tội tình gì đâu, mẹ tin sẽ có ngày con khỏi bệnh. Còn bà nội Lan lại là người tin cuộc sống có phép mầu, bà lọ mọ chống gậy đi khắp các chùa xin tàn nhang ở bát hương thờ Phật và xin cả nước thánh ở nhà thờ về cho Lan uống, mong cháu khỏi bệnh. Nhưng rồi chẳng có phép mầu nào hiện ra cả, mặc dù sau đó mẹ Lan lại vay mượn, dồn tiền và xin nghỉ dạy học đưa cô đi khắp các bệnh viện miền Bắc và uống hết mọi thứ thuốc, mọi cách chữa trị mà người đời mách bảo. Người Lan cứ dộc đi chỉ còn chưa được 30 kg, chân tay teo tóp lại, các khớp xương như dính lại với nhau. Bữa ăn không bưng nổi chén cơm, bước đi là quỵ ngã. Nhiều lúc Lan thấy mình như kiệt hết sức lực. Cô nằm trên giường và mê man về cái chết đang đợi mình. Những lúc khốn cùng ấy, Lan lại càng hay nghĩ về tình yêu thương của bố mẹ và mọi người dành cho mình. Lan có người cô ruột là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, bà rất thương Lan. Ngoài việc giúp đỡ chạy chữa cho cho cháu, bà còn thường mang về cho Lan những quyển sách, những bài thơ tràn đầy tình yêu cuộc sống. Tình yêu thương và văn chương hình như đã truyền cho Lan nghị lực sống và cô luôn nghĩ dù ngày mai có chết, hôm nay cũng không được gục ngã. Rồi cô tự xác định mình ốm đau nhưng tinh thần mạnh khoẻ nên vẫn làm được những việc có ích.
          Lan quyết tâm bắt tay vào tự học ngoại ngữ. Cô đặt cho mình thời khoá biểu  hai buổi hàng ngày và thực hiện rất nghiêm ngặt. Những khi mệt không thực hiện được kế hoạch thì lúc tỉnh táo học bù. Càng học Lan càng say mê. Sau hai năm cô học xong chương trình ngoại ngữ phổ thông trung học. Rồi Lan được cô em họ đem về cho bộ giáo trình tiếng Anh của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, cô lại lao vào học chương trình cao hơn. Bốn năm tiếp theo với sự miệt mài và nghị lực phi thường, Lan đã nắm vững  những kiến thức của bộ giáo trình đại học. Rồi cô tranh thủ đọc những sách văn chương, sách khoa học xã hội, những tác phẩm văn học nước ngoài nguyên tác tiếng Anh. Sự say mê đọc sách đã giúp Lan tiến bộ rất nhanh về trình độ ngoại ngữ cũng như cảm nhận văn chương. Và thế giới bên ngoài cứ mở rộng dần ra trong tâm trí cô.
          Khi đã có kiến thức tiếng Anh nhưng với bệnh tật của mình Lan cũng chưa biết nên làm gì để có ích. Ngày ngày nhìn mẹ đến lớp, một hôm cô xin mẹ được mở một lớp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ ở nhà. Thương con đau yếu, bàn tay không nâng nổi viên phấn bà do dự không muốn để Lan phải làm việc. Nhưng trước quyết tâm của con gái, bà đến lớp vận động học sinh nếu muốn học thêm tiếng Anh thì đến nhà chị Lan dạy cho miễn phí. Ban đầu chỉ có dăm em tò mò đến. Những buổi đầu học sinh thì rụt rè còn cô giáo thì ngượng nghịu. Sau học sinh cứ tăng dần và cô giáo cũng càng ngày càng thành thạo hơn. Nhiều phụ huynh ở các xã bên cũng tìm đến gửi con theo học. Do sức khoẻ yếu nên những ngày lên lớp cực vất vả đối với Lan. Có ngày cô đang đứng lớp thì ngã quỵ xuống. Nhưng với niềm say mê giảng dạy và tình yêu thương các em, không mấy khi cô chịu bỏ lớp. Sau bốn năm đã có hơn 200 học trò đi ra từ lớp học của cô. Có nhiều người hôm nay đã học xong đại học, cao đẳng. đã thành cán bộ, giáo viên ở nhiều nơi nhưng vẫn nhớ về thăm và viết thư cho cô giáo Lan. Đến một ngày không thể đứng vững nữa, cô đành phải giải tán lớp học.
          Hơn 10 năm kể từ ngày ông bác sỹ bảo Lan phải chờ đợi, sức khoẻ Lan ngày càng sa sút thêm mà vẫn không có tín hiệu gì là ngành y học đã tìm ra phương thuốc chữa. Không đủ sức để làm một việc gì, nhiều lúc Lan mệt mỏi xỉu đi. Các bác sỹ chuẩn đoán cô đã ở giai đoạn bị suy tim nặng. Bố mẹ và mọi người trong gia đình dồn tất cả sự yêu thương và sự chăm sóc cho Lan để mong Lan gượng dạy được. Nhưng chính Lan lại động viên mẹ: con suy tim chứ có phải ngừng tim đâu. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng cũng thường xuyên mang thuốc và sách về quê cho cháu nhiều hơn và gợi ý Lan thử dịch những tập sách hay chưa có ai dịch. Cũng thời gian đó em trai mang về tặng Lan chiếc latop cũ. Những khi tỉnh táo Lan lại mầy mò học sử dụng máy tính và đọc sách ngoại văn. Điều lạ kỳ là dù yếu mệt nhưng Lan học rất nhanh, chỉ một thời gian ngắn Lan đã tự làm chủ được những kỹ thuật sử dụng máy tính. ý chí và công việc hình như là phép mầu đối với Lan. Mỗi khi thấy mình làm những công việc có ý nghĩa Lan lại thấy khỏe ra. Chiếc máy tính đã giúp Lan bước ra thế giới, giao lưu được với bạn bè xa gần và hòa nhập với xã hội. Qua mạng, Lan kết bạn với một cô bạn kém mình 7 tuổi có hoàn cảnh bệnh tật đặc biệt ở Mỹ. Cô bé tên Cheng, bị viêm khớp nặng từ nhỏ, lớn lên trên chiếc xe lăn, 11 tuổi lại bị mù. Nhưng Cheng có một nghị lực và trí thông minh siêu việt. Sau 180 ngày đến trường mẫu giáo cô đã được đặc cách nhảy lên học lớp 6 vì sức học đọc biệt. Rồi Cheng tự học hết trung học và trở thành tác giả văn chương đoạt nhiều giải thưởng ở Mỹ. Tình bạn và nghị lực của cô bạn người Mỹ đã cho Lan một tình yêu cuộc sống và nghị lực vượt lên bệnh tật. Lan bắt tay vào dịch tập sách Đừng nghi ngờ tình yêu của anh. Mỗi ngày Lan đặt tiêu chuẩn cho mình dịch sáu trang. Sau gần 3 tháng làm việc, rồi đọc đi đọc lại, cân nhắc từng câu từng chữ. Bản dịch hoàn thành, Lan gửi đến nhà xuất bản Phụ nữ nhờ thẩm định với một lời đề nghị: Đừng ưu tiên, hãy đánh giá một Bích Lan công việc chứ không phải Bích Lan hoàn cảnh. Tác phẩm đầu tay của Lan được xuất bản và chinh phục được bạn đọc, NXB Phụ nữ động viên Lan tiếp tục cộng tác đã cho Lan một niềm tin và say mê công việc. Hơn một tháng sau Lan lại hoàn thành tập Không có chỗ cho tình yêu của P. ơ More... Sau khi dịch năm cuốn theo hợp đồng của NXB Phụ nữ. Lan còn chủ động liên hệ với Cheng xin bản quyền của một số sách ở Mỹ để tự dịch. Đến nay Lan đã dịch được được 15 đầu sách đã xuất bản và còn một số tập bản thảo khác. Trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng Triệu phú khu ổ chuột đã được dựng phim. Ngoài công việc dịch thuật Lan còn dành thời gian sáng tác. Thơ  Bích Lan có một giọng riêng và nhiều bài đã được các báo lớn ở Trung ương chọn in và giới thiệu. Riêng về văn xuôi có thể nói Lan khá thành công từ tác phẩm đầu tay với truyện ngắn Con gái. Rồi tới các truyện Sống trong chờ đợi, Vườn chuối… truyện nào cũng được bạn đọc yêu văn chương đón đọc, khen ngợi. Nhiều người đã điện tới toà soạn hỏi thăm tên tuổi và xin được liên hệ với Lan. Một vinh dự và niềm vui lớn đã đến với Lan. Cuối năm 2010 vừa qua, tập truyện dịch Triệu phú khu ổ chuột đã được xét tặng giải thưởng chính thức hàng năm của Hội Nhà văn và Lan được xét kết nạp vào Hội. Đến nay tên tuổi Lan được nhiều người trong nước và trên thế giới biết đến.
Hơn hai mươi năm chờ đợi, nhưng không có sự kỳ diệu nào của y học giúp cho Lan vượt qua được bệnh tật để sống một cuộc sống bình thường. Sự sa sút và đớn đau thân thể lúc nào cũng dồn cô về phía cái chết. Nhưng nghị lực, trí thông minh và nhất là tình yêu cuộc sống và sự say mê học hỏi, sáng tác và làm việc là phép màu đã vực Lan dậy và chắp cho Lan đôi cánh để Lan làm được những điều kỳ diệu mà rất nhiều người khỏe mạnh bình thường cũng không làm được.


                                                                                                          Năm 2010





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét