Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Bốn điều cần quên của tuổi già


BỐN ĐIỀU CẦN QUÊN CỦA TUỔI GIÀ
DƯƠNG DỊ PHÚC (Trung Quốc)
          Người ta bước vào tuổi già, trí nhớ tự nhiên giảm, thường để mất dày, mất mũ. Việc trước mắt mà không sao nhớ được ngay. Bởi vậy trong đời sống tuổi già thường mắc chứng hay quên. Song người già chỉ hay quên những việc hiện tại, còn những việc ngày xưa thì nhớ rất dai, thậm chí chiếm vị trí rất qua trọng trong trái tim người già.
          Song, một mực đeo đuổi quá khứ, khăng khăng lấy xưa nói nay, liệu có giúp gì cho hiện tại? Liệu có lợi gì cho bản thân?  Có nên diều chỉnh cho phù hợp? Có nên quên những điều đáng quên? Có nên ôn lại những điều không cần nhớ. Mới đây, sau khi bàn bạc với bạn bè, tôi quy những điều cần quên thành bốn điểm gọi là tứ vong: vong niên, vong hình,vong hoài, vong cơ.
          Vong niên: người già đầu tiên nên quên tuổi tác của mình. Nhà thơ Nguyên Kết có bài thơ: Rừng trúc quây mái rạ/ con suối lạnh luồn qua/ Đằng tây hai mỏm đá/ mách ta quên tuổi già.
Nguyên Kết không ở lầu son gác tía, hoặc biệt thự điền viên, mà là một mái tranh rừng trúc, xem ra chẳng rộng rãi cho lắm. Trong cảnh sống sơ sài như vậy, nhìn hai ngọn núi đằng tây, thản nhiên tự đắc, có mấy cái màn thầu cũng quên số lượng. Ông sống vô tư thoải mái biết mấy.
Người già quên tuổi tác của mình sẽ giảm rất nhiều gánh nặng về mặt tâm lý. Người già quên tuổi tác còn có thể loại bỏ mọi tâm lý về thứ bậc sống lâu lên lão làng. Đây là một quan niệm luân lý quan trọng xây dựng ngôi thứ già trẻ. Chỗ ngồi mân cỗ, thứ tự đi đường, thậm chí nói trước nói sau, đều lấy ngôi thứ làm mực thước, nghĩa là lấy tuổi tác làm nguyên tắc không được vượt qua. Bởi vậy những người già thời ấy ai cũng nhớ rất rõ tuổi tác của mình. Song trong xã hội dân chủ cởi mở hiện đại, quan niệm luân lý xã hội sống hòa mình với mọi người, nếu cứ cò kè so sánh tôi hơn anh một tuổi, việc gì cũng lấy ngôi thứ làm chuẩn mực, sẽ không tránh khỏi phiền hà cho người khác.
Vong hình có nghĩa là gỡ bỏ sự ràng buộc của hình thể. Làm kẻ trưởng giả bình dị gần gũi mới đáng được tôn kính. Dù là kẻ vô danh tiểu tốt, người dân nhỏ bé cũng có thời kỳ cực thịnh của cuộc sống cá nhân, dù là các nhân vật tai to mặt lớn, một khi đã bước sang cảnh già, thì cái vinh quang sáng chói phải quy về bình thường mờ nhạt. Nếu cứ khư khư ôm mãi thì tuổi tác đã già, việc chẳng kham được, sẽ chỉ thở vắn than dài mà thôi.
Đặc biệt là những người có chút ít thành tựu, khi bước sang tuổi già, thành tựu đã đến ngưỡng cực hạn, nên vứt bỏ danh vị làm bậc trưởng giả bình dị gần gũi, mới đáng được kính trọng hơn. Hơn nữa giữa con người với nhau, quên đi danh vị, tự vượt lên mình, không câu nệ hình hài, thì tình cảm tự nhiên hơn, chân thật hơn.
Vong hoài có nghĩa là trong lòng điềm đạm không lưu luyến vật chất và danh lợi, không đeo đuổi vinh nhục quá khứ, không kểng lể an oán trước kia. Tất cả mọi chuyện vướng mắc trong lòng ném đi, quên hết. Năm tháng của người già cốt sao dung dưỡng tuổi già, dù muốn theo đuổi danh lợi, thế lực và trí tuệ chẳng còn cho phép, ân oán sự đời cũng qua đi, nhắc đến làm gì, có nhắc nhớ ngày xưa thì cũng chẳng còn ai thích thú.
Vong cơ phải xóa sạch so bì với người khác, không tranh dành với ai, nuôi dưỡng tư tưởng trong sạch thật thà.
Người già từng trải nhiều, hiểu đời đã sâu, khi còn sống được với năm tháng còn lại tâm trạnh phải thanh thản vô tư, phải trở lại chất phác về với thật thà. Gặp chuyện phức tạp coi như đơn thuần, gặp việc ngang trái bình tĩnh giải quyết, gặp kẻ gian ngoan xảo trá đối sử chân thành. Việc đời thấu hiểu cả rồi, làm gì phải tranh dành nữa? Hà tất phải suy tư. Uống hớp rượu, nghe tiếng đàn có thể quên được tâm tư. Tán chuyện vui, làm bạn với những người khoáng đạt cũng có thể quên hết tâm tư. Có thể dẫn ra mấy câu thơ làm ví dụ:
Lý Bạch: Tôi say, anh vui trở lại/ tụ dưng quên hết sự đời.
Bạch Cư Dị: Tiếng đàn nghe chợt vui lên/ rượu mới nửa cuộc đã quên sự đời.
Tư Khống Đồ: Quên được sự đời gần với Phật.
Trừ Quang Nghĩa: Muốn tâm hồn rộng mở/ phải quên thói so đo.
Người già có thực hiện được vong niên, vong hình, vong hoài, vong cơ hay không là ở sự tu dưỡng của mỗi người. Nhưng muốn được hưởng nhiều hạnh phúc là do bản thân quyết định. Người già thông minh phải biết điều chỉnh cuộc sống của mình cho phù hợp.
VŨ CÔNG HOAN (Dịch theo Độc giả văn trích – Trung Quốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét