Trang

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Nhà thơ Gia Dũng đã chọn thơ truyền đời như thế nào

Mấy ý kiến về việc chọn  thơ truyền đời


Có thể nói tập tuyển Văn chương Thái Bình mười thế kỷ (XI –XXI) được ra mắt bạn đọc nhân dịp xuân Kỷ Sửu là một sự kiện lớn của phong trào văn học tỉnh nhà. Những người cầm bút và những người yêu văn chương Thái Bình trong, ngoài tỉnh đã có một vài ý kiến luận bàn trên báo chí. Đây là tập sách đoạt kỷ lục về bao trùm thời gian, về độ dầy số trang và cả về số lượng tác phẩm. Mọi người quan tâm vì sự đồ sộ và hình thức sang trọng, song điều chủ yếu vì tiêu chí của tập sách vì đây là sự hội tụ, giao thoa giữa các thế hệ tác giả, từ cổ đại đến đương đại, với những tác phẩm đã truyền đời, phản ánh về mảnh đất con người Thái Bình ở nhiều thời kỳ lịch sử như  lời giới thiệu sách. Tập sách chia làm hai phần văn chương cổ đại và hiện đại. Riêng phần hiện đại lại phân ra hai mảng thơ văn tách biệt. Vì không hiểu biết về văn học cổ và chưa có thời gian đọc phần văn xuôi, người viết bài này mới chỉ quan tâm phần thơ hiện đại. Đây cũng là phần dày nhất của tập sách với sự góp mặt thơ của 199 người trong tổng số 239 tác giả trong tập. Những tác phẩm được chọn ở đây hầu hết được sáng tác trong thời gian 50 năm trở lại đây. Nếu đúng là trong nửa thế kỷ mà đã có hơn 400 bài thơ của người Thái Bình và viết về Thái Bình có giá trị có thể truyền đời so với gần một ngàn năm chỉ còn lại 39 tác gia, thì đây là thời kỳ sáng chói nhất về văn chương, văn hoá của mảnh đất này. Song mới đọc hết phần thơ hiện đại, người đọc đã thấy có nhiều điều thất vọng trước những gì kỳ vọng ở tập sách. Với tình cảm của một người yêu thơ và đã nhiều năm gắn bó với văn học Thái Bình người viết bài này xin nêu một số ý kiến về phần tuyển lựa thơ đương đại của tập sách.


    Thứ nhất là về tác giả được tuyển chọn. Ai cũng biết đối với văn chương nói chung, thơ nói riêng, người đọc đặt tác phẩm lên trên cả người viết. Dù anh là bất kỳ ai mà thơ không hay thì cũng chẳng ai đọc và ngược lại. Người ta hay nói không phân biệt tác phẩm của trung ương hay địa phương bởi lẽ đó. Song mọi người đều nhất trí rằng chỉ có những người có tầm cao thì mới làm ra được những sản phẩm tầm cỡ. Trong lĩnh vực sáng tác văn học thành văn chính thống từ cổ đến kim, những tác phẩm truyền đời hầu hết là của những tác giả có tên tuổi để lại. Một người viết phải có ít nhiều thành công, được dư luận người viết, người đọc chấp nhận mới thành tác giả. Một tác giả có nhiều tác phẩm nổi tiếng mới thành tác gia… Trong số 199 người có thơ được chọn trong tập theo tôi được biết có nhiều người mới chỉ tập tọe làm thơ ở các câu lạc bộ thơ xã, huyện trong tỉnh và trên các địa phương cả nước. Nếu thơ ở các câu lạc bộ mà hay thực sự, có chất lượng tốt và được tuyển thì đáng mừng và nên trân trọng. Song đọc những bài thơ ấy tôi tin rằng những người hiểu thơ không ai có thể chấp nhận đấy là thơ truyền đời cho một vùng đất văn hiến. Những người yêu thơ ở xa nhau, tuy không biết tên tuổi nhưng chỉ đọc thơ cũng dễ nhận ra thơ nào của người có nghề, thơ nào của người còn đang tập sự. Còn đối với những người làm thơ yêu thơ trong tỉnh những ai viết được, đã in ở đâu… thì ít người không biết. Trong số những bài của đông đảo người viết chưa hề được bạn đọc ở địa phương biết đến ấy có thể nói nhiều nhất là ở Hưng Hà. Tập tuyển hầu như bê nguyên những bài thơ in trong tập Thơ Hưng Hà của những cây bút CLB thơ huyện Hưng Hà vào sách. Phải nói rằng thơ Hưng Hà 2 tập do Trung tâm văn hoá huyện ấn bản năm 2006 và 2008 chỉ được một số bài có chất thơ còn hầu hết là những bài ghép vần kể lể, là thơ thù tạc giao lưu trong CLB. Ví dụ như những bài: Vui cảnh giả sơn của Nguyễn Quang Chiếm, Trẩy hội Tiên La của Cao Thanh Bốn, Hương bưởi của Nguyễn Văn Ngỗi, Lời ru của mẹ của Trần Quyết Thắng, Cuộc đời của bà của Bùi Văn Thế vv và vv. Hay như bài Đất mẹ của Hoàng Hải Đảo chẳng hạn. Bài này năm ngoái có gửi tạp chí Văn nghệ Thái Bình nhưng vì quá yếu nên Toà soạn đã loại ra. Song vì ông Phan Đức Chính, một hội viên thơ lâu năm của Hội VHNT là đồng hương ông Đảo tới toà soạn hai ba lượt đề nghị sửa giúp và in cho bài về xã Minh Hoà để động viên phong trào thơ làng xã. Vì cổ vũ sự phát triển phong trào văn hoá quần chúng địa phương, BBT Tạp chí phải yêu cầu gia cố lại câu chữ cho suôi sẻ rồi mới dám đưa lên mặt báo. Thiết tưởng những bài như thế chỉ để lưu hành trong các câu lạc bộ xã, huyện thôi chứ ai ngờ nay lại được chọn vào thơ Tuyển tập ngàn năm. Nhièu bài thơ đại loại như vậy, song có người còn được chọn in những 3 bài. Ngoài Hưng Hà ra, nhiều bài thơ CLB của các nơi khác trong và ngoài Tỉnh được chọn cũng tương tự như thế. Bởi không muốn làm mất thời gian của bạn đọc nên tôi không kể tên những bài thơ, những câu thơ kém chất lượng đã chiếm mất rất nhiều trang của tập tuyển.

Ai cũng biết từ nhiều năm nay sự bùng nổ người người làm thơ, nhà nhà làm thơ nên ở ngõ ngách nào cũng có thơ.Giới cầm bút khi nói đến thơ thường gọi những bài thơ non yếu là “thơ câu lạc bộ”. Các báo chí từ trung ương tới địa phương nếu in thơ của các CLB cũng đều in riêng một mục chứ không xếp lẫn với những bài thơ khác. Đúng là có một số bài thơ của những người chưa phải là hội viên hội Văn nghệ tỉnh và trung ương nhưng khá hay có thể chọn để đưa vào một số tuyển tập. Nhưng để làm việc ấy người chọn thơ phải thực sự hiểu thơ của những cây bút ở các cơ sở . Còn nếu chỉ nhặt những tên tuổi tích cực tham gia phong trào thơ các CLB thơ huyện, xã nhưng làm thơ chưa sạch “nước cản” như nhiều bài trong tập tuyển thì số người Thái Bình làm thơ hiện đang sinh sống ở trong và ngoài tỉnh phải kể tới hàng ngàn, hàng vạn; xe chở đấu đong cũng không hết, chứ không có sách nào có thể chứa nổi.

Điều phải nói nữa là trong số các tác giả được tuyển chọn có một số người đã nổi tiễng hoặc thành danh trong văn xuôi, báo chí hoặc một số lĩnh vực khác nhưng lại đưa cả thơ của họ vào tuyển tập là một điều trớ trêu. Ví dụ như nhà văn Minh Chuyên, cả nước và thế giới biết đến ông ở mảng ký và các kịch bản phin truyền hình về người lính. Thời bao cấp ông có viết vài bài thơ nhưng không mấy ai nhớ. Những người làm tập tuyển thơ Thái Bình vài chục năm nay không ai còn nghĩ đến thơ ông. Thế mà nay lại có hai bài được chọn. Hoặc như  dịch giả Vũ Công Hoan có nhiều công trình đồ sộ nổi tiếng về dịch văn học đương đại Trung Quốc. Cách đây vài năm ông có làm một vài bài thơ về quê hương, gia đình nhưng là thơ kể dài dòng chỉ có thể in ở báo nhà cho vui chứ không hay, song cũng được chọn hai bài. Hay như các tác giả Nguyễn Công Viễn, Xuân Thiên, Nguyễn Bích Lan… đóng góp tên tuổi cho văn học Thái Bình cũng ở các lĩnh vực khác chứ không phải bằng thơ. Ngay bản thân những người nói trên cũng chưa bao giờ nghĩ mình phải có mặt trong chiếu thơ của tỉnh. Vì ở những lĩnh vực văn xuôi, dịch thuật... thì tác phẩm của họ là một phần tinh hoa và làm nên diện mạo văn học Thái Bình . Nay có thể vì ưu ái tên tuổi mà  chọn thơ của họ đưa vào hợp tuyển ngàn năm. Nhưng "quý nhau như thế lại hoá bằng mười hại nhau".

Còn đối với những tác giả xứng đáng đứng trong tuyển tập, nhưng với nhiều người lại chọn những tác phẩm không phải là tiêu biểu của họ. Như nhà thơ Kim Chuông chẳng hạn có ba bài Mở đất, Em ngồi dệt nón, Quê ngoại, ông viết từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đó chỉ là những bài thơ minh hoạ phục vụ sản xuất chiến đấu viết diễn giải, dài dòng mà ít chất thơ. Năm 2002 khi tập hợp một chặng đường gần 40 năm thơ mình trong tuyển thơ “Phương trời ngôi sao thức” ông cũng chỉ giữ lại bài “Dệt nón” còn bỏ hai bài thơ thời vụ nói trên. Cả cuộc đời Kim Chuông là cuộc đời làm thơ nên có nhiều bài hay góp mặt cho dòng thơ cả nước. Nếu chọn thơ tiêu biểu của ông thì không thể bỏ được bài “Tôi và em” đã được tuyển chọn trong 99 bài thơ lục bát tiêu biểu của thế kỷ 20 mà tuyển lục bát Việt Nam đã in và tái bản nhiều lần. Bên cạnh đó là bài “Giấc ngủ người đi rừng” đã được giải thưởng thơ hay của báo Văn nghệ. Hoặc tác giả Bùi Công Bính chọn thế nào cũng không nên bỏ bài “Một miền quê đất nước” của ông. Đó là bài vừa tiêu biểu cho vùng quê lúa Thái Bình, vừa là bài để mọi người trong ngoài tỉnh biết đến tên tuổi ông. Hay như với Phạm Hồng Oanh, chị có bài “Muối dưa”  là bài hay nhất đã được tuyển trong lục bát Việt Nam và các bài “Một ngày”, “Gửi người một thuở” mới là giọng điệu tiêu biểu Phạm Hồng Oanh. Rồi như Đỗ Quang Huỳnh cũng vậy, cho đến giờ bài thơ hay nhất của anh được bạn đọc cả nước biết đến vẫn là bài “Chị tôi”... Có thể nói những bài thơ kể trên vừa làm nên diện mạo thơ các tác giả vừa là tinh hoa thơ Thái Bình, nhưng rất tiếc đều không có mặt trong tập tuyển. Đó là tôi chỉ nêu một số trường hợp tiêu biểu, còn nhiều tác giả khác nữa cũng bị chọn tuỳ tiện cho đủ số lượng bài tương tự như vậy.

Theo như lời giới thiệu tập tuyển thì việc xuất bản tuyển chọn “Văn chương Thái Bình mười thế kỷ” là chủ trương của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh cộng với sự giúp đỡ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng theo xi nhê phụ chú về biên soạn thực tế chỉ có một mình soạn giả Gia Dũng sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn. Phần cộng tác về Hán Nôm có nhóm bốn người là tiến sỹ, giáo sư Hán Nôm và ông Nguyễn Trọng Thắng tổ chức xuất bản. Như vậy thực chất nội dung tuyển tập là do cá nhân làm, chứ không có Hội đồng chuyên môn nào thẩm định cả. Nhà xuất bản Hội nhà văn chỉ cấp giấy phép xuất bản và thu phí bình thường như mọi tập sách khác. Nếu một cá nhân làm mà tập sách có chất lượng thực sự thì là điều đáng quý và trân trọng. Song qua những gì đã nêu ở trên cho thấy soạn giả không phải là người am hiểu sâu sát phong trào văn học Thái Bình. Cụ thể là ông chỉ biết tên những người làm văn học ở vùng đất này, chứ không nắm vững tác phẩm của họ, kể cả với nhiều nhà văn, nhà thơ có tên tuổi. Chẳng hạn như với Kim Chuông, Minh Chuyên và những người tham gia phong trào văn nghệ Thái Bình từ những ngày đầu tiên, ông chỉ nhặt những tác phẩm của họ viết vào những năm 70 của thế kỉ trước.  Mà đó lại không phải là những tác phẩm làm nên tên tuổi họ. Hoặc như những người xuất hiện sau này như dịch giả Vũ Công Hoan hay Nguyễn Công Viễn, Nguyễn Bích Lan… ông không biết sự góp mặt của họ với nền thơ của tỉnh thế nào nên cứ thấy có tên tuổi là hội viên là đưa tác phẩm của họ vào. Riêng tác giả Nguyễn Công Viễn phải chọn văn xuôi của ông chứ không phải thơ, nhưng lại làm ngược lại. Trong khi đó còn nhiều người kể cả hội viên và chưa hội viên có nhiều đóng góp cho thơ địa phương hoặc tác phẩm của họ đáng được kể đến nhưng lại bị bỏ qua. Ví dụ như nhà văn Đức Hậu tuy viết văn xuôi là chính nhưng cũng có khá nhiều thơ và bài hay như Chiếc cầu đá, Miền Trung… Những hội viên khác như Bùi Lan Anh, Nguyễn Thuý Hằng, Đỗ Thị Hồng Nhung, Vũ Thị Huyền…thơ của họ bỏ xa thơ của các CLB thơ  huyện được chọn trong tập rất nhiều. Hoặc như những người viết khác làm thơ khá chững chạc in ở rất nhiều nơi, vài người đã có thơ hay được bạn đọc nhớ đến như: Hoàng Năng Trọng, Vương Tuyết Mai ở nhóm thơ đại học Y. Rồi Lưu Khánh Phượng, Phạm Thị Trinh, Hà Phi Phượng, Đặng Toán, Nguyễn Bạch Dương… Ngay ở huyện Hưng Hà, quê của nhà soạn giả Gia Dũng, thơ câu lạc bộ được chọn nhiều nhất nhưng có mấy cây bút  trẻ, thơ khá hay, có tri thức như: Phạm Nguyễn Toan, Phạm Hoài Ngọc, Phạm Hồng Len... nhiều năm là cộng tác viên thơ của Tạp chí Văn Nghệ Thái Bình. Hoặc như Nguyễn Thị Hồng Chắt có bài “Cầm tay” đã từng đoạt giải thi thơ của tạp chí năm 1999 cũng không được người chọn biết đến vv..

Vẫn biết việc tuyển chọn văn chương, nhất là thơ, xưa nay vẫn thường gây tranh cãi của nhiều người. Nhưng những người làm văn chương, nhất là những người có trách nhiệm phải thẩm giá, bình chọn không bao giờ sai lệch đến mức những bài vè hoặc ghép vần mà lại bảo là thơ. Hoặc những bài thơ đã được nhiều người khen hay, những bài đã được các tuyển tập lựa chọn lại bị bỏ ra. Chỉ có những việc làm không phải mục đích vì văn chương mới dẫn đến những sai sót đó
Với tinh thần trân trọng chủ trương của Tỉnh và lòng ngưỡng mộ mục đích, tiêu chí xuất bản của Tập tuyển ngàn năm văn chương Thái Bình nên  người viết bài này xin có một số ý kiến theo suy nghĩ và hiểu biết của cá nhân về những điều mà tập sách chưa đạt tới khi tuyển chọn về phần thơ hiện đại. Với mong muốn được góp thêm lời bàn để xác định những gì là đích thực của thơ Thái Bình (chưa đề cập đến thơ viết về Thái Bình) nhân dịp Tập tuyển xuất bản chứ không có ý định bày ra để khen chê thơ của ai. Do vậy trong bài viết phải nhắc đến tên một số tác giả, một số người viết hoặc  một số bài thơ cụ thể. Đó là việc làm ngoài ý muốn của người viết. Nếu có điều gì khiếm nhã rất mong được mọi người cảm thông và lượng thứ. Một điều nữa, tuyển tập ngàn năm thì rộng, thơ thì bàn chẳng bao giờ tới. Mong được nghe thêm ý kiến của nhiều người và góp ý cho những điều chưa phải trong bài viết.


NGUYỄN LONG
Bài đã đăng trên Văn nghệ trẻ và tạp chí Văn nghệ Thái Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét