Đã 24 năm
trôi qua kể từ ngày 14-3-1988, 64 người con của mẹ Âu Cơ đã ngã xuống
Gạc Ma để bảo vệ đất nước. Nhân dịp này nhà văn Nhật Tuấn đã có cuộc trao đổi
cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải, xin giới thiệu cùng bạn đọc để nhắc nhở chúng ta
đừng quên những người con ưu tú đã tan vào xanh thẳm đại dương vì chính chúng
ta !
Thưa
anh Hoàng Quốc Hải, vừa qua trong diễn văn khai mạc ”Hội nghị cán bộ toàn
quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết T.Ư 4” ông Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng có nói “Đảng cộng sản Trung Quốc …trong những lần trao đổi
với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh không để bị “Tây hóa”, “tha hóa”, “thoái
hóa”.
Tuy nhiên các ông tổ cộng sản đều là “mắt xanh mũi lõ”. Vậy phải chăng Trung
Quốc xúi Việt nam xa rời chủ nghĩa Mác-Lê- nin?
Thưa anh Nhật Tuấn, đầu năm nhẽ ra phải nói chuyện du xuân thì anh lại gợi
chuyện thời sự. Thật ra nói chơi với nhau cho vui thôi, chứ cái chủ đề này
thì ai còn lạ gì đâu.
Trước hết phải thừa nhận một điều rằng, Đảng cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ
theo chủ nghĩa Mác cả. Tới nay thì điều này cả thế giới đều biết, có nhẽ chỉ
có một bộ phận nhân dân Trung Quốc còn nghi hoặc thôi.
Nhưng trong quá trình vận động cách mạng, ông Mao Trạch Đông lãnh đạo nhân
dân Trung Quốc nhằm lật đổ chế độ Trung Hoa dân quốc do ông Tưởng Giới Thạch
đứng đầu, thì ông Mao lại dựa vào Liên Xô và tuyên bố theo chủ nghĩa Mác,
treo ảnh các ông Các Mác, Ăng -ghen, Lê- nin , Stalin và cờ búa liềm. Việc
dựa vào Liên Xô là để gây vốn liếng chính trị và cũng là để nhờ vả về nhiều
mặt, trong đó có chuyện vũ khí. Nhưng tất cả chỉ là mẹo, là kế của ông Mao
thôi. Việc này người Trung Hoa là bậc thầy của thiên hạ. Hãy xem Việt Vương
Câu Tiễn dùng khổ nhục kế như thế nào thì đủ rõ.
Nhưng nói cho cùng kỳ lý thì người Nga và cả Liên bang Xô-viết cũng có theo
Mác đâu, họ theo chủ nghĩa Lê-nin đấy chứ.
Sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết là sự sụp đổ của chủ nghĩa Lê-nin, còn học
thuyết Mác với công trình đồ sộ của ông là “Tư bản luận” thì làm sao mà sụp
đổ được.
Và họ khuyên không “Tây hóa” tức là để họ độc quyền theo Tây đấy ông Nhật
Tuấn ạ. Ông có nhớ năm 1972, ta đánh Mỹ đang đến hồi gay go nhất thì ông Mao
Trạch Đông phát tín hiệu mời ngoại trưởng Hoa Kỳ là ngài Kít-xing-gơ đến Bắc
Kinh để mở đường cho công cuộc Trung Hoa ngả vào lòng nước Mỹ. Rồi năm 1978,
ông Đặng Tiểu Bình sang Mỹ với quà biếu là mấy con Gấu trúc. Và để hòa nhập,
ông Đặng dùng trang phục cao bồi, cỡi ngựa rong ruổi khắp nước Mỹ để kết thân
với Mỹ, mời Mỹ vào Trung Hoa. Và từ khi người Mỹ vào Trung Hoa tới nay thì
nước Trung Hoa thay đổi hẳn như ta thấy.
Điều này chứng tỏ Đảng cộng sản Trung Quốc theo Tây trước các nước trong phe
chứ. Hẳn mọi người còn nhớ, ngài Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố: Mèo trắng, mèo
đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột. Bản chất vấn đề là ở chỗ đó.
Tức là họ theo chủ nghĩa thực dụng. Cho nên việc họ theo Liên Xô hay theo Mỹ
đều là “kế” cả thôi.
Chủ nghĩa thực dụng là sở trường của người Trung Hoa. Nguồn gốc của nó khởi
từ Nho giáo, được Khổng Tử hoàn thiện thành học thuyết. Nước Trung Hoa có cả
chục học thuyết, nhưng chỉ có Nho giáo là bao trùm và được ứng dụng từ cổ đại
tới nay.
Còn như “tha hóa” và “thoái hóa” thiết nghĩ chẳng qua là một thứ đồng bệnh
tương liên, bộc bạch để cùng nhau chiasẻ. Ngược lại, nếu đây là
lời khuyên chân thành thì đáng trân trọng.
Cách nay trên 70 năm, giới tiểu tư sản Hà Nội chạy theo
trào lưu “Âu hóa”, nhờ đó Xuân tóc đỏ của Vũ trọng Phụng vốn từ tầng lớp hạ
lưu đã nhảy phốc lên thượng lưu danh giá. Trào lưu Âu hóa đó có gì tương đồng
với “Tây hóa” mà Đảng cộng sản Trung Quốc khuyên Đảng cộng sản Việt Nam anh
em phải tránh xa?
Cái ông Nhật tuấn này hơi kỳ. Tại sao ông lại đem văn chương so
với chính trị. Kiểu so sánh này chẳng khác chi dân gian đã nói: “Bì phấn với
vôi…”. Ông hãy nhìn sự diễn tiến bàn cờ thế sự thì rõ thôi mà.
Hiện nay phim Trung Quốc tràn ngập màn hình TV, đèn lồng Trung Quốc treo khắp
nơi trên lãnh thổ Việt Nam…thực chất Trung Quốc đang tiến hành một cuộc xâm
lăng toàn diện về văn hóa. Sao ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không nhắc
tới nguy cơ Hán hóa mà lại lo “Tây hóa” trong khi Đảng vẫn chủ trương hội nhập
toàn cầu?
Thưa anh Nhật Tuấn, trong thế giới phẳng hiện nay việc xâm thực hay xâm lược
văn hóa là thể hiện một thứ quyền lực mềm. Về mặt xâm thực văn hóa của Trung
Quốc ngoài phim ảnh, tôi có thể bổ sung thêm, ví như thị trường sách. Nếu anh
ra bất cứ một tiệm sách nào trên toàn quốc đều thấy số đầu sách dịch từ nguồn
Trung Quốc chiếm tới trên dưới 40% thị phần sách lưu hành. Điều đáng buồn là
một khối lượng không nhỏ trong đó là sách thần bí. Loại này trước đây thuộc
diện tuyệt đối cấm. Ngoài ra thượng vàng hạ cám, không thiếu một loại sách
nào của người Tầu từ thượng cổ đến vừa ra lò vài tuần mà không có trên thị
trường sách nước ta. Rất nhiều loại tiểu thuyết đương đại nhà văn Việt Nam
thừa sức viết, nhưng nếu có viết ra cũng không được công bố loại những
tác phẩm tương đương với những tác phẩm đương đại của Trung Hoa mà ta phải
dịch, như các tác phẩm “Nửa đàn ông là đàn bà” của Trương Hiền Lượng, “Báu
vật của đời” của Mạc Ngôn, “Thị trấn phù dung” của Cổ Hoa… để bù vào nhu
cầu khát đọc của độc giả. Có thể lấy ví dụ như “Truyện kể năm 2000” của nhà
văn Bùi Ngọc Tấn, “Thời của thánh thần” của nhà văn Hoàng Minh Tường…Đáng
tiếc chúng đã không được phép lưu hành hoặc chỉ được xuất bản một lần.
Vì sao trong Chỉ thị của Bộ chính trị “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng
Đảng hiện nay” hoàn toàn không nhắc gì đến hai chữ “nhân dân”.
Vậy phải chăng công tác chỉnh đốn Đảng”chỉ thuộc “nội bộ Đảng”? nếu vậy cái
mà Bác Hồ vẫn dạy là “quan điểm quần chúng” ngày nay có còn không?
Bác Nhật Tuấn ơi, bác không đọc kỹ lời ông Tổng bí thư
sao. Trong đó có chỗ ông nói: Đa số (ý nói các đ/c lãnh đạo và đảng viên) là
tốt, một số không nhỏ (cũng nói về lãnh đạo và đảng viên) là tha hóa, biến chất.
Vậy là Đảng chỉ chỉnh đốn cái đám tha hóa, biến chất, tham ô, hủ hóa làm hại
dân và làm mất thanh danh của Đảng, chứ Nhân dân thì làm gì có quyền lực để
dính đến cái sự xấu xa ấy mà phải chỉnh đốn. Thôi chuyện này là chuyện nội bộ
của Đảng, miễn bàn. Còn như nhờ nhân dân giám sát đảng viên, chắc Đảng phải
ra một nghị quyết khác.
Mấy ngày vừa qua Trung Quốc vừa bắn phá tầu của ngư dân Việt Nam vừa đặt
bút ký nội dung thỏa thuận cấp thứ trưởng hai nước diễn ra tại Bắc Kinh trong
hai ngày 27 và 28 tháng 2. Mặc dù Trung Quốc vẫn leo lẻo “đưa quan hệ hai
nước tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, vì lợi ích của nhân dân hai
nước, vì hòa bình ổn định và hợp tác của khu vực và thế giới”, nhưng lại lờ
chuyện xung đột trên biển Đông đi, chỉ nhắc tới phân định vùng biển
ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi
trường, nghiên cứu khoa học biển… Phải chăng đó là thủ đoạn câu giờ chờ thời
cơ lấn lướt ta để độc chiếm biển Đông?
Nhật Tuấn ạ, anh còn lạ gì người Trung Hoa, ý tôi muốn nói nhà cầm quyền
thôi, còn người dân lao động thì họ cũng còn khổ lắm, thậm chí khổ hơn cả dân
mình. Nhà cầm quyền Trung Hoa từ cổ xưa tới nay vẫn nói một đường làm một
nẻo. Sự nhãn tiền như họ khủng bố tầu đánh cá của ngư dân ta, rồi họ lại chối
phắt. Nếu như quay được băng video, mà về phương diện ngoại giao ta phản
kháng gay gắt thì họ liền đổ lỗi cho địa phương Hải Nam hoặc
Quảng Đông làm sai, rồi dàn hòa, rồi hứa không tái diễn… để lại tái diễn. Đó
là đường lối muôn thuở của họ. Vì vậy trong tiểu thuyết lịch sử tôi đã viết:
“Ta với họ không chỉ là kẻ thù truyền kiếp mà còn là kẻ thù tri kỷ”. Điều
quan trọng là đối sách của chúng ta kia. Đương nhiên phải mềm dẻo một chút,
không làm mất mặt “thiên triều”, nhưng phải kiên quyết, phải cứng rắn không
cho phép “thiên triều” đụng đến cái lợi ích cốt lõi của ta, cụ thể là lãnh
thổ, là lãnh hải, là ngư trường và các tài nguyên khác.
Còn chuyện Biển Đông đúng như anh tiên lượng:”Đó là thủ đoạn câu giờ, chờ
thời cơ lấn lướt ta để độc chiếm biển Đông”. Đúng là họ đang phục kích lâu
dài chờ cơ hội kiểu như năm 1974 chiếm Hoàng Sa và năm 1988 cướp Gạc Ma (
thuộc Trường Sa ) của ta. Nếu ta lơ là mất cảnh giác vì không chuẩn bị đầy đủ
sức mạnh để sa cơ một lần nữa, sẽ phải trả giá đắt, phải ân hận tới ngàn năm
mà vị tất con cháu đã tha thứ.
Xin anh cho biết vì sao vấn đề đàm phán về Biển Đông, phía
Trung Quốc cứ nhăm nhăm đòi giải quyết song phương mà rất sợ đa phương? Phải
chăng Trung Quốc đang chơi xảo thuật bẻ từng chiếc đũa?
Thưa anh Nhật Tuấn, nếu là chuyện minh bạch thì đàm phán
song phương hay đa phương có hề hấn gì. Khốn nỗi về mặt pháp lý quốc tế người
Trung Hoa không có một khía cạnh hợp pháp nào trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa của Việt Nam.
Về Hoàng Sa thì họ ngoạm một phần vào cuối năm 1949; sau Thế chiến II, Trung
Hoa dân quốc chiếm một phần từ quân Nhật thua trận (nay thuộc Đài Loan). Phần
còn lại họ dùng vũ lực cưỡng chiếm từ quân đội Việt Nam cộng hòa
vào năm 1974. Về Trường Sa, họ dùng vũ lực chiếm đóng đảo Gạc Ma của ta vào
năm 1988 và sát hại 64 bộ đội công binh, tay không vũ khí. Cả hai
trường hợp cưỡng chiếm này đều là hành vi xâm lược. Bởi các quần đảo này ta
đã xác lập chủ quyền, và quản lý liên tục từ thế kỷ 18 tới nay, không hề có
một quốc gia nào tuyên bố chủ quyền hoặc tranh chấp với ta cho đến trước năm
1949, nghĩa là trước khi có nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Vậy nếu ta nhận đàm phán song phương với họ, coi như ta thừa nhận họ có chủ
quyền. Và như thế có nghĩa là họ từ tư thế bất hợp pháp chuyển sang tư thế
hợp pháp. Còn nếu như đàm phán đa phương, có đại diện của Unclos làm trọng
tài, đương nhiên họ không đủ tư cách pháp nhân để tham gia đàm phán, còn nói
gì đến chuyện chủ quyền.
Anh viết tiểu thuyết lịch sử, hẳn có tìm hiểu kỹ về chủ quyền
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ta, còn tôi thì tựa như thi sĩ vừa quá
cố Đỗ Nam Cao đã viết:
“ Trường Sa ư với ngày thường xa thật
Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà
Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ
Đảo mới gần mới thật của ta”
Cho nên dù đã tìm đọc các tài liệu, tôi vẫn chưa thật thỏa mãn, tôi muốn anh
giải thích:
Vì sao cả ta và Trung Quốc đều khẳng định hai quần đảo đó thuộc
chủ quyền của mình không thể tranh cãi. Phía ta thì các tài liệu để chứng
minh chủ quyền khá phong phú, nhưng phía Trung Quốc chỉ thấy họ trưng ra cái
bản đồ 9 đoạn hình lưỡi bò, liếm gần hết biển Đông, xâm phạm vùng đặc quyền
kinh tế và quyền chủ quyền của nhiều nước. Điểm thứ hai họ trưng ra bằng lời
nói chứ không có bản đồ và văn bản cổ là họ đã chiếm hữu vùng biển Đông này
từ thời nhà Hán, nghĩa là đã cách đây hơn 2200 năm chứ không phải chỉ có
khoảng 3 thế kỷ liên tục chiếm hữu và tuyên bố chủ quyền như phía Việt Nam
mình. Nếu có thể được, anh diễn giải giùm chuyện này để mọi người cùng tham
khảo.
Tôi xin chia sẻ với anh cũng như tuyệt đại đa số người Việt Nam hễ biết
liêm sỉ đều có nỗi xót xa ân hận bởi trách phận công dân ấy. Điều quan trọng
nhất lúc này là mọi người phải chung tay giữ lấy mảnh giang sơn từng thấm máu
ngàn đời gồm vùng đất vùng trời và biển đảo của chúng ta.
Phần bàn về đàm phán song phương, tôi đã nói về chủ quyền hợp pháp của chúng
ta về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nay tôi nói rõ về cơ sở pháp lý của
cái quyền chủ quyền ấy.
Về xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thì sách “Phủ biên tạp lục” của
nhà bác học Lê Quý Đôn soạn vào năm Bính thân (1776 ) đời Lê Hiển tông tương
đương thời chúa Nguyễn Phúc Thuần ở Đàng trong. Về Đảo cát vàng tức Hoàng Sa,
sách ấy viết “Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển phía
Đông bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng
biển, từ hòn nọ sang hòn kia đi một ngày hoặc vài canh thì đến. trên núi có
chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng ước hơn 30 dặm, bằng phẳng
rộng lớn, nước trong suốt đáy… các thuyền ngoại phiên (nước ngoài) tránh bão
thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn (ý nói các chúa Nguyễn ở Đàng trong)
đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ
tháng Hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền
câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá và
lấy hóa vật của các tầu đắm… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào Cửa Eo, đến thành Phú
Xuân để nộp”.
Ở một đoạn khác Lê Quý Đôn lại viết: “…Tôi đã từng thấy một đạo công văn của
quan Chánh đường huyện Văn Xương, Quỳnh Châu (đảo Hải Nam) gởi cho Thuận Hóa
nói rằng: “Năm Kiền Long thứ 18 (1758) (tương đương với thời chúa Nguyễn Phúc
Chu ở Đàng trong) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm huyện Chương
Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam, ngày 7 đến Vạn lý Trường Sa tìm kiếm các
thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để hai tên giữ thuyền, bị gió giật đứt dây
thuyền, dạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đây xét thực, đưa về nguyên quán.
Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hóa là Thúc Lương hầu làm thư trả lời”.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần núi sông của
tỉnh Quảng Ngãi cũng viết: “Đảo Hoàng Sa ở phía đông nam cù lao Ré huyện Bình
Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ ba bốn ngày đêm có thể
đến nơi. Có tới hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường hoặc mấy trống
canh. Trong đảo có bãi cát vàng…(phần còn lại sách này viết giống như Lê Quý
Đôn đã viết trong “Phủ biên tạp lục”).
Sách Đại Nam viết tiếp: “Đầu đời Gia Long (1802) phỏng theo lệ cũ đặt đội
Hoàng Sa…
Đầu đời Minh Mệnh thường sai người đi thuyền công đến đây thăm dò đường biển,
thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1070 trượng ( bằng 3,5 km ) cây cối xanh
tốt, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có ngôi miếu cổ, không rõ dựng từ
thời nào, có bia khắc 4 chữ “vạn lý ba bình” (muôn dặm sóng yên ). Về phía
tây bắc đảo này nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang
với cồn cát, gọi là đảo Bàn Than.
Năm Minh Mệnh 16 (1836) sai thuyền công chở gạch đá đến đây xây đền, dựng bia
đá ở phía tả đền để ghi dấu mốc và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và
sau…”.
Các sách “Đại nam thực lục chính biên”, “Đại Việt hội điển sự lệ”, “Khâm định
việt sử thông giám cương mục”v.v… Rất nhiều di tích đền đài thờ tự “Hải đội
trường sa” còn tồn tại với thần phả, tộc phả, gia phả, đặc biệt là vô số các
châu bản do đích thân nhà vua hoặc các quan địa phương sai phái người ra vạn
lý Trường Sa hoặc Hoàng Sa làm công vụ từ thời các chúa Nguyễn đến tận thời
vua Bảo Đại còn lưu giữ trong các kho tư liệu quốc gia, thậm chí trong các
nhà dân cũng còn khá nhiều chứng tích về “Hải đội Hoàng Sa”. Đó là các độc
bản, chứ các phó bản thì nhiều vô kể (trong đó có nhiều loại bản đồ và các số
liệu đo đạc) về Hoàng Sa, Trường Sa còn lưu giữ trong thư viện Viện Hán -
Nôm, trong các thư viện của Paris (Pháp) mà trước đây “Viễn Đông Bác cổ học
viện” sưu tầm và hoàn thiện rồi lưu trữ khá công phu.
Chính quyền nhà Nguyễn quản lý và khai thác hai quần đảo này cho tới khi thực
dân Pháp xâm lược nước ta thì nhà nước thuộc địa Pháp tiếp thu và quản lý rất
chặt chẽ. Bằng cách đo đạc, vẽ bản đồ, lập trạm đo khí tượng v.v…Năm 1899
Paul Doumer toàn quyền Đông Dương cho xây dựng một ngọn hải đăng trên quần
đảo Hoàng Sa.
Khi nước Pháp thua trận năm 1954, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, từ vĩ
tuyến 17 trở vào nam thuộc chính quyền Việt Nam cộng hòa quản lý, trong đó có
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc xâm lược chiếm trọn quần đảo
Hoàng Sa như phần trước tôi đã trình bày.
Về cái lý không tranh cãi của Trung Quốc họ trưng ra cho thế giới biết cái
bằng chứng hư vô là họ đã quản lý vùng biển đảo này từ thời Hán, Đường đến
Minh, Thanh. Từ cổ xưa tuyệt nhiên không có sách nào của Trung Quốc nói đến
vùng biển đảo phía đông này và cũng không có một tấm bản đồ cổ nào của Trung
Quốc vẽ về vùng biển đảo phía đông này trong đó có dấu ấn Hoàng Sa, Trường
Sa, kể cả Trịnh Hòa thời nhà Minh đi vòng quanh thế giới có vẽ khá nhiều bản
đồ, cũng không hề có sự hiện diện của hai quần đảo này.
Chứng tích vu vơ thứ hai là tấm bản đồ do chính quyền Trung Hoa dân quốc của
Tưởng Giới Thạch tự vẽ năm 1947 có chứa đường 9 đoạn mà ngày nay Trung Quốc
coi như một bằng chứng lịch sử sáng giá.
Một văn bản khác là tuyên bố năm 1958 của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về
định nghĩa lãnh hải của Trung Quốc và họ phát triển hóa yêu sách này vào luật
của nhà nước Trung Hoa cỡ năm 1992.
Thật ra đường lưỡi bò 9 đoạn do Trung Hoa dân quốc tự vẽ và tuyên bố về đường
lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về mặt pháp lý quốc tế đều
không có giá trị.
Còn cái chứng cớ cù nhầy mà Trung Quốc ngộ nhận từ đời Hán, Đường, Minh,
Thanh rằng toàn bộ vùng biển này đã thuộc về Trung Quốc , ta hãy nghe một
trong 29 luật sư nổi tiếng nhất trong suốt 20 năm qua của đoàn luật sư bang
California ông Tel Laguatan viết một bài báo ngày 27 tháng 7 năm 2011 với tựa
đề: Tại sao Trung Quốc không đưa vấn đề Trường Sa ra Liên hiệp quốc”.
Tôi xin trích một đoạn của ông luật sư người Mỹ này: “Nhà Hán của Trung Quốc
mới có từ 206 trước Công nguyên đến 220 Công nguyên. Còn Alexandre đại đế
chết năm 323 trước Công nguyên. Vương quốc của ông bao gồm Hy Lạp, Syrie, Ba
Tư, Ai Cập và một phần Ấn Độ.
Đế quốc La Mã tồn tại hơn 1000 năm thâu tóm cả Châu Âu, một phần Châu Á, Châu
Phi.
Vậy ngày nay hai nước Mace’donia và Italia có thể đòi lại các phần đất cũ mà
đế quốc Mace’doine và La Mã chiếm đóng từ mấy ngàn năm trước không.
Nếu lý luận như Trung Quốc ngày
nay thì người Mông Cổ có thể đòi lại cả nước Nga và nước Trung Hoa cùng nhiều
quốc gia khác mà Thành Cát Tư Hãn đã thống trị từ thế kỷ 13-14 không?
Thói ngạo mạn của Trung Quốc lấy cơ bắp làm ngôn ngữ
ngoại giao và áp đặt chính sách đối ngoại của mình buộc đối phương phải tuân
thủ tựa như đường lối của bọn phát xít Hít-le hồi đại chiến thế giới thứ hai.
Thế nhưng Trung Quốc luôn rêu rao là “trỗi dậy trong hòa bình” và muốn làm
bạn với các nước. Lâu nay Trung Quốc đã thể hiện rất kiên trì đường lối đối
ngoại là cái gì họ làm với thế giới luôn luôn ngược lại với cái mà họ hùng
hồn tuyên bố.
Hãy cảnh giác với Trung Quốc!”
Thật ra Trung Quốc còn lưu giữ rất nhiều tư liệu có sức “thuyết phục” toàn
thế giới, nếu họ trưng ra thì ngay cả nước lên án họ về tranh chấp biển Đông
cũng phải mỉm cười ưng thuận.
- Thứ nhất vào năm 1895 tàu Bellona của Đức bị vấp đá ngầm và chìm tại quần
đảo Hoàng Sa, đánh tín hiệu cấp cứu mà Hải Nam không có động dạng gì. Và năm
1896 tàu Himeji
của Nhật Bản cũng bị đắm ở Hoàng Sa. Cả hai tầu đều không được phía Trung
Quốc cứu hộ mà ngư dân của họ từ Hải Nam còn ra cướp đồng và hàng hóa.
Chính phủ Anh đã gửi công hàm phản kháng. Phía Trung Quốc tuyên bố chính thức
là quần đảo này không thuộc về phía Trung Quốc. Công hàm này hiện vẫn còn lưu
trữ tại thư viện Hoàng gia Anh quốc. Ngay cả phía Trung Quốc chắc cũng còn
lưu giữ.
- Thứ hai là sau khi thua trận trong chiến tranh Trung - Nhật, nhà
Thanh đã ký hiệp ước Shimonseiki ngày 17 tháng 4 năm 1895, phía Trung Quốc
gọi là hiệp ước Mã Quan, theo đó nhà Thanh nhượng cho Nhật Bản vĩnh viễn chủ
quyền đầy đủ các quần đảo Bành Hồ, Đài Loan và phía đông vùng biển của bán
đảo Liêu Đông cùng với tất cả tài sản có trên đó như: công sự, kho vũ khí… Và
khu vực này không bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đó có nghĩa
là hai quần đảo này đã không được xem là thuộc chủ quyền của Trung Hoa.
- Thứ ba trong “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư” biên soạn
năm 1905, xuất bản năm 1906 có ghi” Phía Nam
từ vĩ độ Bắc 18013’ tận cùng là bờ biển Hải Nam (Nhai Châu) là miền đất cực
nam của Trung Quốc. Và vì thế nó không có dính líu gì đến Trường Sa, Hoàng
Sa.
Chứng cớ rành rành như thế mà Trung Quốc cứ ỉm đi không chịu công
bố, lại bấu víu vào cái thứ lịch sử vu vơ khiến luật sư Ted Laguatan phải lên
tiếng cảnh báo với toàn thế giới: “Hãy cảnh giác với Trung Quốc”.
Những đòi hỏi của Trung Quốc ở biển Đông trở nên ngạo mạn, cứ xem
cái đường lưỡi bò ấy nó liếm mất khoảng 3,8 triệu km2 trong tổng số hơn 4
triệu km2 của toàn vùng biển Đông. Bởi Trung Quốc mơ ước có tới 22 tỉ thùng
dầu và 200 ngàn tỉ m3 khí tự nhiên nằm ở đáy biển, cùng với bao nhiêu thứ kim
loại khác sẽ giúp cho họ soán ngôi bá chủ thiên hạ.
Lòng tham khiến họ mờ mắt, chứ các nhà khoa học địa chất Mỹ và
Nga dự đoán trong lòng biển Đông chỉ có từ 4 đến 7 tỉ thùng dầu là kịch mốc.
Đừng tham quá mà gây thù chuốc oán với các nước láng giềng vẫn
luôn tỏ ra tôn trọng Trung Quốc. Xin các vị hãy đọc lại lời dạy của Chủ tịch
Mao Trạch Đông với đoàn cán bộ trước khi sang giúp Việt Nam vào tháng
2 năm 1950.
Về mối quan hệ Trung Hoa, Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã kể
mẩu chuyện lịch sử “Mã Viện đánh Giao Chỉ”:
“Trong lịch sử từ đời Hán trở đi, Trung Quốc đã từng ức hiếp (1)
Việt Nam, 80 năm trước chính phủ Mãn Thanh cắt nhượng Việt Nam cho Pháp (2).
Dân tộc Việt Nam
là một dân tộc tốt, bị nước ngoài cai trị và áp bức lâu dài, họ căm thù người
Pháp, rất nhạy cảm đối với người nước ngoài. Các đồng chí có thể nói với các
đồng chí Việt Nam:
“Tổ tông chúng tôi xưa đã từng ức hiếp các đồng chí, chúng tôi tạ tội và xin
lỗi các đồng chí”. (Nguồn hồi ký của Vi Quốc Thanh đăng trong “Thượng tướng
phong vân lục” NXB Đại bách khoa toàn thư năm 2000).
Từ hơn hai ngàn năm nay người Việt Nam vẫn chờ một lời xin lỗi công
khai từ phía Trung Hoa!
Tuy nhiên, muốn buộc đối phương xin lỗi, có nhẽ người Việt Nam phải sống
khác đi!
Tạm biệt nhà văn Nhật Tuấn.
Hà Nội 18h50’ ngày 13.3.2012.
Ghi chú:
(1) Ức hiếp ở đây phải hiểu đúng nghĩa là tàn sát dã man, vì Chủ tịch
Mao muốn nói tránh đi.
(2) Chỗ này Chủ tịch Mao hơi ngộ nhận, hiệp ước Pháp - Thanh ký là để
phân định biên giới, chứ nhà Thanh có tư cách gì mà cắt nhượng được Việt Nam
cho thực dân Pháp.
Nguồn: Nhattuan Blog
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét