Trang

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

DOC TAP THO CHUOC YEU CUA NGUYEN THI THU NGUYET


Mái chèo gẫy, lấy câu thơ buộc lại … (Đọc tập thơ “Chuộc yêu” của Thu Nguyệt - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2011)
Người đàn bà làm thơ đau khổ suốt cuộc đời đi tìm một tình yêu đích thực, chỉ mong “được sống chính là mình dù chỉ phút giây thôi” nên đã yêu, đã tin bằng cả trái tim mê đắm, nồng nàn… Vậy mà hạnh phúc đã từ chối chị… Không có ai viết về mình như Thu Nguyệt ở những năm  tóc chị đã ngả màu: Em như chiếc áo thay ra/ Chiếc áo thơ ngây ngày nào đã rã/ Một mái chèo bơi ngang sông Cả/ Một cánh buồm tơi tả hoàng hôn.

Thu Nguyet va NT Vo Ba Cuong
Người đàn bà nửa cuộc đời đã đi ngược chiều gió thổi, một mình nuôi hai con khôn lớn, chống chọi lại bão tố cuộc đời: Em chèo ngược sông/ Mái chèo gẫy, lấy câu thơ buộc lại/ Phía trước không ai vẫy/ Sau lưng chẳng thấy bờ/ Sóng ào ào vùi dập và mưa/ Mái tóc đã ngả màu chiều, ướt sũng
Và chị nhận ra một điều, may mà còn có thơ giúp chị gượng dậy và tranh đấu trong cuộc đời đầy xáo trộn, bất trắc này: Em tuốt nỗi buồn và đắng cay thành sợi chỉ/ Vá víu đời mình bằng những câu thơ/ Rót chén đau thương, cạn ly rượu đắng/ May mà còn có thơ em bấu víu không chìm.

Đọc đến đây, chợt tôi nhớ đến bài thơ “Chị tôi” của Đoàn Thị Tảo (được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc) có câu: Ngày chị sinh/ Trời cho làm thơ/ (…) Tình riêng bỏ chợ/ Tình người đa đoan


Có lẽ đó là số phận mà ông trời bắt những người đàn bà đa cảm, đa tình, tài hoa phải chịu đựng chăng ?

Thu Nguyệt sinh ra trong một gia đình có cả bố và 4-5 anh em  đều viết văn, làm thơ. Ông bố Nguyễn Văn là một nhà văn có bề dầy sáng tác khá ấn tượng ở Thái Bình. Anh cả Sinh Thành cũng viết văn làm thơ, đến chị -  cô công nhân xếp chữ ở nhà in cũng vướng vào nghiệp chữ, cậu em Nguyễn Long - một nhà thơ nổi tiếng với bài “Thường dân”, rồi đến chồng chị, - nhà thơ Kim Chuông và cả cô con gái Kim Nguyệt Hằng cũng đang cầm bút… Thu Nguyệt đã có hai tập truyện ngắn: Người dưng (2003), Rễ người (2005) và ba tập thơ: Phía sau quầng sáng mặt trời (2005), Nước mắt đá (2008) và Chuộc yêu vừa xuất bản.

Truyện và thơ của chị đều có cá tính riêng mạnh mẽ, rạch ròi, dám nói đến những góc khuất của đời, thể hiện sâu xa nỗi đau đớn cùng cực của những người phụ nữ đa đoan dám đứng lên giành quyền “được là chính mình”. Có lẽ chính vì điều đó làm cuộc đời Thu Nguyệt trở nên phức tạp, đau đớn, chị đã phải trả giá vì trái tim đa cảm, dám yêu, dám tin đến khờ khạo của mình, chị tự sự về cuộc sống đã qua  của mình:  Tôi đã sống những tháng năm ấu trĩ/ Đến nụ cười cũng phải sẻn so, cân nhắc/ Sống những ngày mượn vay vờ vật/ Không biết mùi vị cuộc sống đích thực của mình/ Chua xót, mặn mòi hay đắng chát/ Hít thở cũng qua mùi hơi hôi hám của người khác/ Chỉ cầu mong cho con tôi yên bình.
Chị cố gắng yêu, cố gắng tin khỏa lấp tất cả, quên đi bản thân mình… Nhưng chị đã thất vọng đến rã rời vì tình yêu đã xa rời chị. Rồi chị tự trách vì sự dại khờ của mình: Phía dại khờ đến mãi đâu?/ Mà đi tận bạc mái đầu chưa qua/ Thôi thì khờ dại đã nhiều/ Thì thôi đời một chữ yêu thôi đành.

Phải chăng những người đàn ông chị gặp, cùng sống đã không hiểu chị. Họ không cảm nhận được tình yêu sâu xa chín bỏ làm mười của chị. Họ đã không hiểu được tình yêu ấm áp, sâu lắng bao dung chị dành cho họ: Em nhớ về anh mỗi khi thức dậy/ Ước mỗi ngày lên tay được nắm lấy tay/ Và em biết mình giàu có nhất/ Bởi có anh trong cuộc đời này.

Vậy mà người đàn bà yêu ấy đã phải chịu cô đơn, đau khổ dằn vặt suốt cuộc đời. Chị đã viết về nỗi cô đơn đau đớn cùng cực ấy thật khó quên: Anh cứ hẹn một đời em đợi/T hơ viết cho anh - em đốt gửi lên trời/ Thương mình quá, em không nhìn gương nữa/ Trời cuối thu lá đổ bời bời.
Thu Nguyệt là người đa cảm, trong cuộc sống chị có nhiều người bạn ân tình, hết lòng vì nhau. Đó là tình bạn của chị với các nhà thơ Thái Bình như: Đỗ Trọng Khơi, Tống Trung, Đặng Thành Văn. Chị cũng là người con hiếu thảo với cha mẹ, là người mẹ yêu thương chăm sóc các con hết lòng: Nào ta bắt đầu nhé con/Hai con gái núm ruột mềm của mẹ/Dù phải đến chân trời góc bể/Cho mẹ tựa vào con đi tiếp cuộc hành trình.

Trong các bài thơ viết về bè bạn, tôi đặc biệt thích hai bài:  “Phù Vân” (tặng nhà văn Hòa Vang) và “Sinh ở Mường Trời” (tặng nhà thơ Đỗ Thị Tấc) với  những câu thơ chân thành, giản dị, lay động đến nơi sâu kín của tâm hồn. Chị nhớ lại buổi các nhà thơ Thái Bình cùng nhà văn Hòa Vang, đọc thơ ở sân nhà bạn cuối mùa Thu tám năm trước: Thế mà đã tám năm/ Người đi, người ở lại/ “Thiên sứ” bay về trời/ Hạt bụi người xa mãi.

Và đoạn kết thật ấm áp tình người: Đọc lại thơ bác tặng/ Buồn như rụng bàn tay/ Đời người như chiếc lá/ Ngước nhìn phù vân bay.
Dù cuộc đời không thuận buồm xuôi gió vì những đổ vỡ riêng tư nhưng chị không chỉ nghĩ về mình mà luôn có những tình cảm bao dung, cảm thông rất đáng trân trọng khi viết về phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh éo le: Như là cổ tích ngày xưa/ Một làng làm mẹ mà chưa có chồng”/ Bây giờ ớt ngọt, gừng chua/ Xin đừng nhắc chuyện ngày xưa làm gì/ Đẻ con là để hòng khi/ Lưng còng mỏi gối, nghĩa nghì nuôi nhau/ Phật thì ngồi ở ngôi cao/ Tiếng chuông con thỉnh làm sao tới trời.

Chị thương những đứa trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ phải đi kiếm miếng ăn như thương con mình: Con lang thang, bán báo, đánh giầy và ăn cắp vặt/ Những đêm mưa giông ào ạt, ngày nắng chói chang/ Mồ hôi khét mù, tóc con cháy xém/ Những cái bạt tai, những vệt nước miếng/ Những đồng tiền còn sũng nặng mồ hôi/ Nước mắt cạn rồi, con không thể khóc/ Nước mắt chẳng giúp gì cho con được ?/ Mẹ ở đâu trong những giọt nước mắt con ?

Chị chia sẻ với những người mẹ ở Irắc mất con vì chiến tranh, vì những kẻ “nhân danh” điều này, điều nọ dội bom xuống Bát Đa: Và Thu Nguyệt có những suy nghĩ triết lý làm ta giật mình: Nếu trái đất ngừng quay/ Hơn sáu tỷ người sẽ văng theo vào hố đen vũ trụ/ Chỉ còn tình yêu níu giữ/ Trong ngôi nhà này anh đứng ôm em.

Thơ Thu Nguyệt giản dị, chị làm thơ để bộc bạch cảm xúc, nghĩ suy về cuộc sống. Chị viết cẩn thận, chỉn chu, các hình ảnh, các câu từ được chọn lọc, chuyển tải được ý tưởng, tình cảm của mình… Với 36 bài thơ trong tập “Chuộc yêu” có thể thấy thơ chị đã vào độ chín, có sức nặng, để lại ấn tượng khó quên với người đọc.

Tin rằng với bản lĩnh của mình, chị sẽ vượt qua sự đổ vỡ, những hệ lụy bi thương để vững vàng, sâu lắng hơn trong những bài thơ mới. Đó là tiếng thơ sâu xa của những người đàn bà đa đoan, trời bắt làm thơ như chị./.
Nguyễn Long Khánh (Nguon tapchicuabien)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét