Trang

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

LÀNG AN ĐỂ


NGUYỄN LONG

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng An Để, xã Hiệp Hoà, huyện Vũ Thư, Thái Bình, một làng thuần nông, đồng chiêm trũng. Tuổi thơ của tôi cũng như mọi đứa trẻ lớn lên ở làng, việc học hành là phụ còn quanh năm phải lo chăn trâu, cắt cỏ, bốc bùn. Khi biết cầm cái cuốc là phải theo người lớn đi làm ruộng. Thời hợp tác xã, những người  khoẻ mạnh, mỗi công đi làm được tính 12 điểm, người bình thường được 10 điểm, bọn trẻ con lớn 15, 16 tuổi được 8 điểm còn những đứa 11, 12 tuổi mỗi ngày được tính nửa công... Những làng xã bên cạnh đều có nghề phụ kiếm sống. Nổi tiếng thì có tương làng Búng, thúng làng Giai, bánh đúc, đậu phụ là nòi Thanh Hương. Hay tương Phương Tảo, hàng xáo làng Lạng... Riêng dân làng tôi quanh năm chỉ biết cày cuốc chứ cũng chẳng biết đi gắp cứt chó, nhặt phân trâu về bón khoai bón lúa như một số làng thuần nông khác. Khi muốn bòn đồng tiền, dân làng chỉ biết bán thóc, hết thóc thì bán gio bếp, bán rạ... Cuộc sống lam lũ nghèo túng như thế nên không mấy aiquan tâm đến lịch sử làng mình. Kể cả những người được học hành lên cao, sau này đi ra ngoài làm cán bộ, quan chức.
Tôi cũng đã đi nhiều nơi và đọc được nhiều sách vở các loại. Nhưng chỉ đến tuổi tri thiên mệnh, về công tác và sinh sống ở tỉnh nhà, đọc được cuốn Nhận diện văn hoá làng của nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Thanh, nguyên là giám đốc Sở Văn hoá Thái Bình, tôi mới biết cái làng An Để nghèo khó của tôi từ thuở xa xưa đã từng sinh ra những vương hầu khanh tướng, là vùng đất cổ văn hiến của vùng châu thổ sông Hồng. Năm 2004 tôi đã viết bài Làng An Để giới thiệu trên mục Những làng Việt Nam nổi tiếng của báo Văn nghệ. Một người làng là ông Đào Thanh Cảnh, lúc đó làm trưởng phòng ở Sở Giáo dục tỉnh gặp tôi bảo: Anh mới đọc bài chú viết trên báo, thì ra lịch sử làng mình cũng rạng rỡ đấy nhỉ. Hoá ra ông cũng như tôi và nhiều người khác, cả đời sống ở làng mà không biết về làng.
Nhân dịp năm ấy làng vừa mới dựng được cái hội trường mới nhờ bán đất mặt đường ở ngã tư An Để nên được trên trích lại cho 60 triệu. Tôi mua mấy tờ báo có đăng bài trên đem về uỷ ban tặng cho máy cán bộ xã. Tôi còn gặp trực tiếp trưởng thôn, bảo ông cho trương bài báo lên hội trường thôn để mọi người đọc và biết. Nhưng sau đó tôi về quê mấy lần không thấy tờ báo đâu cả và cũng chẳng ai nhắc tới nữa. Và tôi tin rằng tới hôm nay cũng chẳng mấy ông cán bộ ở xã, ở huyện quan tâm tới lịch sử làng An Để chứ người dân làng lại càng ít người biết. Do vậy tôi đưa bài viết trên lên đây để ai cần thì tìm đọc.

* * *

Làng An Để cổ xưa thuộc Châu Hoàng, phủ Kiến Xương, nay là phần đất hai xã Hiệp Hoà và Xuân Hoà, huyên Vũ Thư. Qua nhiều đời đã thay đổi các tên gọi khác nhau như Mần Để, Ba Đậu... Hiện nay thôn An Để, xã Hiệp Hoà là trung tâm của làng An Để xa xưa. Thần tích do Đông Các học sỹ Nguyễn Bính soạn dưói triều Hồng Đức (1470 – 1489) chép rằng: Thời nhà Lương cai quản nước ta, vùng Thái Bình có Lý Bí nổi dậy chống giặc. Tương truyền ông sinh ra ở Long Hưng, khi về quê tụ nghĩa, một ngày đi qua Tây Để trang thấy thế đất “long hổ hoàn bão”, sơn thuỷ hữu tình, có sông vòng uốn khúc, phong tục thuần hậu, nhân dân no đủ, ông tức cảnh đọc bốn câu thơ: Thành thị lâu đài giai bảo ngọc/ Giang sơn hoa thảo thống đan thanh/ Dư khí trung thành tuy tiểu mạch/ Mặ ư chân khả khiến cung thành. Dịch nghĩa là: Thành thị lâu đài sinh tựa ngọc/ núi sông hoa cỏ ngát mầu xanh/ Thừa khí trung thành tuy đất hẹp/ Hẳn yên đắp luỹ dựng cung thành.
Và quyết định cắm trại lấy làm nơi lập đồn doanh đầu tiên.
Tây Để trang cũng chính là quê vợ ông, bà Đỗ Thị Khương, người đã bó bện với Lý Bí từ trước khi dấy nghiệp. Bà là con ông Đỗ Công Uẩn, một viên quan ở đất Châu Hoàng. Từ nhỏ bà nổi tiếng thông minh, xinh đẹp. Sau khi cùng vợ xây xong luỹ thành Tây Để, Lý Bí giao cho vợ cai quản, điều hành chính sự còn ông tiếp tục đi mộ quân mở rộng lực lượng. Khi Lý Bí xây dựng được đại quân ở vùng ven biển thì bà Khương đã cùng các tướng lĩnh xây dựng được chín đồn tiền tiêu chạy từ ngã ba Tuần Vường dọc sông Trà Lý tới vùng Sa Cát (thị xã Thái Bình ngày nay) . Năm 542 Lý Bí xuống lệnh toàn bộ tướng sỹ về An Để hội quân. Tây Để trang ngày ấy cờ suý rợp trời, người đi như nước chảy. Rồi đại quân dốc đánh Kinh thành Long Biên đuổi giặc Lương ra khỏi bờ cõi. Mùa xuân năm 544 Lý Bí lên ngôi vua xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, niên hiệu Thiên Đức, mở ra thời kỳ thái bình tự trị đầu tiên ở nước ta, chấm dứt hơn bảy trăm năm Bắc thuộc. Đồng thời phong Đỗ Thị Khương là Linh Nhân Hoàng hậu. Bà là vị Hoàng phi đầu tiên của nước Nam ta.
Về sau tại nơi đồn trang này, được dựng lên ngôi miếu thờ tiền Lý Nam Đế và Linh Nhân Hoàng hậu, lấy tên Vạn Xuân đặt cho tên miếu để ghi nhớ công ơn của vợ chồng ông. Thời Lê Chính Hoà (1680 – 1705) miếu Vạn Xuân được xây dựng lại khang trang. Đây là một công trình hoàn hảo như một bảo tàng kiến trúc cổ thời Lê phong phú, rực rỡ vào bậc nhất nhì trong kho tàng văn hoá nghệ thuật kiến trúc nước ta, đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia.
Hiện trong miếu còn lưu một bức tranh cổ từ thế kỷ XVIII, vẽ chân dung vợ chồng vua tiền Lý Nam Đế và tôn hai vị làm Phúc thần đương cảnh, với câu đối minh hoạ: Viêm bang thống nhất sơn hà, càn khôn tịnh đại/ Thanh miếu Vạn Xuân hương hoả, đường bệ tôn nghiêm.
Dân làng An Để còn xây ngôi đình làng thời Lý Bí và tướng quân Triệu Quang Phục, ghi dấu ấn nhà vua khởi nghiệp ở làng. Hiện đình làng còn đôi câu đối: Chí an thiên hạ sinh vi Nam Đế một vi thần/ Quốc hiệu Vạn Xuân tích tại Mần hương danh tại sử.
Ngoài ra cạnh miếu Vạn Xuân còn hai ngôi chùa được tu bổ khang trang qua nhiều đời gọi là chùa Bà Đậu và chùa Ông Lâu. Trong các chùa còn lưu giữ những bia cổ được dựng từ thời Trần ghi lại; “ Khi Tiền Lý Nam Đế qua đời, Hoàng hậu Linh Nhân đã về quê xây hai ngôi chùa này để tu hành và rao giảng Kinh Phật cho chúng dân”.

* * *

Theo ghi chép của Cao Biền, làng An Để nằm trong dải đất “đệ lục mạch” là đất phát khôi khoa. Ngày xưa chẳng những ở nước ta mà bên Trung Quốc nhiều người cũng biết tên địa danh này. Thế kỷ XVIII khi Lê Quý Đôn sang sứ nhà Thanh, quan đốc học tỉnh Quảng Tây là một người thông kim bác cổ, có hỏi: Ngài có biết Ba Đậu (tên của làng An Để bấy giờ) là đất phát khôi khoa ở vùng nào không?. Nhiều người Hán từ xưa đã tìm tới vùng đất này đặt mộ. Khu vực trung tâm của làng hiện còn nhiều ngôi mộ cổ không ai biết được xây từ khi nào. Đặc biệt có một cây cổ thụ lạ, gốc thân xù xì như những bậc đá xếp gọi là cây Uốp, tương truyền đã ngàn năm tuổi. Cây nở hoa vào mùa xuân, có mùi hôi hoi. Các nơi khác trong vùng không thấy có loại cây này. Truyền rằng dưới gốc cây là một ngôi mộ Tầu cổ. Người Tầu trồng cây độc này để đánh dấu mộ và mùi hôi thối của cây để ngôi mộ không bị ai chiếm lấn đất. Bao đời nay bao nhiêu ao hồ đất đai, đình chùa của làng bị dân lấn làm đất ở. Riêng khu vực xung quanh cây Uốp vẫn thênh thang bởi không một ai dám ở gần.
Nhiều danh nhân Thái Bình như thân phụ Phan bá Vành, hay Nguyễn Mậu Kiến, Nguyễn Doãn Cử cũng đặt mộ ở dải đất này.
Hơn hai trăm năm sau dự đoán của Cao Biền, mệnh mạch văn chương của vùng đất này mới được khơi nguồn. Người mở mệnh mạch văn chương là Đặng Nghiễm người làng An Để. Ông sinh năm 1155, là con trai đô đầu hoả Đặng Khánh Hưng. Từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, được chọn vào học ở Ngự Diên ( Nơi đào tạo các con em trong triều). Ông đỗ Minh Kinh bác học khoa Bính Thìn, niên hiệu Trinh Phù thứ X đời Lý Cao Tông, xếp thứ hai sau Búi Quốc Khái. Ông được nhà vua tin dùng và bổ chức Khuyết học ở các phủ. Sau phong chức Thuyết thư. Sách Đại Nam thống nhất chí ghi về ông: Là người mở đầu khoa hoạn cho các đại khoa trong làng khoa cử vùng Sơn Nam. Làm quan tới chức Thị Lang công bộ. Măm 55 tuổi (1210) cáo quan về bản quán dạy học, khai mở mệnh mạch văn chương cho vùng đất này thành dòng chảy mãi về sau. Cháu nội ông là Đặng Diễn cũng là người thông minh được chọn vào học ở Ngự Diên và nổi tiếng là người văn tài kiệt xuất, từ khi còn rất trẻ. Đặng Diễn được nhà vua yêu quý thường cho theo hộ giá. Năm 1231, ông được lãnh chức Ngự Diên bút thư, giúp nhà vua soạn thảo các sắc chỉ. Năm 1232, tham dự kỳ thi Thái học sinh khoa Nhâm Thìn và đỗ Hoàng giáp đứng đầu khoa thi. Năm 1234 Thượng hoàng Trần Thừa mất, ông được cử chức Hộ tống Ngự quan đưa linh cữu về quê an táng. Sau ông được bổ làm Tá thư tri Quốc Tử viên đào tạo nhân tài cho nước. Ngoài bốn mươi tuổi ông từ quan đi tu ở Trúc Lâm. Cuối đời mất ở quê.
Con cháu họ Đặng làng An Để các đời sau phiêu tán nhiều nơi lập nghiệp nhưng vẫn có nhiều người đỗ đạt làm quan ở các vùng như: Cao Nghĩa thần Đặng Tạo ở Hậu Lộc, Thanh Hoá. Thám Hoa Đặng Ca Ma ở Tràng Kênh, Hải Phòng... Làng mấy trăm năm vẫn tồn tại hai ngôi đình: Đình Cả thờ Thành hoàng Triệu Quang Phục, ngôi đình Nội thờ các vị Đại khoa và quan chức các đời họ Đặng.
Một vị Đại khoa làng An Để chưa có tên trong danh sách các Trạng nghè Thái Bình là Thái học sỹ Đỗ Nguyên Chương. Ông thi đỗ năm Giáp Dần (1314) đời vua Trần Minh Tông, được cử làm “Triều liệt Đại phu, Hàn lâm học sỹ”, sau sang võ ban làm Thượng kỵ đô uý. Bài minh khắc trong bia chùa Ông Lâu của ông, được Lê Quý Đôn coi là Tài phẩm trong Kiến văn tiểu lục. Văn bia có đoạn: “Sách Phật nói nếu lúc sống làm điều lành, khi mất đi sẽ được phúc báo. Làm điều ác khi chết sẽ gặp tội báo... Lời nói ngọt ngào vào sâu lòng người, được nhiều người vui vẻ nghe theo, rồi cúng ruộng đất, tiền của dựng lên cây tháp chùa. Hy vọng các kiếp sau cũng bền vững với sự tốt đẹp ấy”. Cây tháp chùa trong bài minh đã mấy đời hoang phế, nhưng nó vẫn là nỗi khát khao, tâm niệm truyền kiếp của làng. Đến đầu thế kỉ XXI, làng lại dồn tâm dồn sức dựng lên một cây tháp chuông mới. Đó là cây phúc, giữ cho dân làng sống yên lành hơn.
Thế kỷ XIX, một người làng An Để lại đỗ Nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp), đứng đầu kỳ thi Đình Nguyên, khoa Kỷ Dậu (1949). Từ nhỏ ông đã nổi tiếng giỏi chữ nên được đưa vào học ở Quốc Tử giám cung đình Huế. Sau khi thi đỗ ông được bổ làm Tri phủ Định Viễn, mất lúc 36 tuổi do bị ngộ độc. Hiện văn bia còn ghi về ông: Là người thông minh dĩnh ngộ, thẳng ngay, quy củ rèn luyện đức nhân. Thi lần đầu đã đỗ Đình Nguyên, tấn thân trong danh dự. Tính ông giản dị, không phiền hà dân, hết lòng chăm lo phận sự. Các sỹ tử, chúng dân mến mộ tin theo. Từng được Thánh chỉ ban là học sỹ, tên ghi sổ vàng. Ông để lại tập Nam sử lược sách dùng làm giáo khoa thời bấy giờ.
Ngoài bốn vị Đại khoa trên, làng An Để thời nào cũng có những người học cao đỗ đạt. Các bậc Trung khoa như Hương cống, Cử nhân, Hiếu liêm và phó trung khoa từ Sinh đồ đến Tú tài... có tới hàng trăm vị.  Hiện làng  còn có xóm Hầu, xóm Hoa (cạnh ngã tư An Để ngày nay) tương truyền xưa là xóm của nhiều người đỗ Thám hoa, và là công hầu khanh tước.
Trải hơn một ngàn năm, vùng đất này đã bị thiên nhiên cũng như co người xoá đi nhiều dấu vết cổ xưa. Nhưng vùng đất trung tâm của làng An Để xưa nay là khu ngã tư An Để - Chợ Chùa vẫn còn ngôi miếu Hai Thôn (miếu Vạn Xuân cũ), ngôi chùa Phúc Minh (chùa Ông Lâu xưa) và chùa Bà Đậu là nơi con cháu làng đi xa và du khách thập phương vẫn tấp nập tìm về.

2 nhận xét:

  1. Không biết phải xưng hô như thế nào. Cháu vậy.
    Cháu là Hùng, Xóm An Lạc, làng An Để đây ạ.
    Lang thang trên mạng tìm hiểu quê hương, vô tình đọc được Blog của bác. là người con An Để cháu cũng rất yêu quê hương, Mong sao học hành làm việc tốt để có thể vê giúp quê hương.
    Sống ở làng mói thấy làng mình nghèo quá.
    Cháu cũng chia sẻ bài viết này của bác cho các bạn cùng làng đọc, bởi cáu cũng như các bạn khác còn khá mơ hồ về làng mình.
    Đọc bài của bác cháu nhận thấy một tấm lòng đau đáu vì quê hương của bác.
    Mong rằng cháu có cơ hội gặp bác.
    Cháu hiện đang học tại Hà Nội
    Số điện thoại của cháu là 01633088745
    Chúc bác sức khỏe tốt

    Trả lờiXóa
  2. Thưa Bác, Lời đầu tiên cho cháu xin chân thành cảm ơn bác. Cảm ơn lòng nhiệt huyết, tình yêu quê hương đất nước, yêu làng xóm của bác. Chúng cháu hay có thể kể cả lớp thế hệ trên cháu, cũng hiếm, ít có người biết và hiểu về lịch sử của địa phương mình. Qua bài viết- tâm huyết của bác đã giup cháu biết và hiểu hơn về lịch sử của địa phương và thêm yêu quê hương bản quán của mình Cháu tự hào khi giới thiệu với bác và mọi người là cây gạo sân đình An Để là do ông nội cháu trồng. Nơi sân đình gốc gạo cũng nhiều kỷ niệm với chúng cháu- về những ngày hè oi bức thường hay qua đó ngồi hóng mát, về những tối tập văn nghệ chuẩn bị cho đêm rước đèn trung thu trươc sân đình dưới tán cây gạo... Trong ký úc của cháu về đình An Để, chùa Phúc Minh, Miếu 2 Thôn, Chùa Đồng...rất đẹp bởi những ngày hội làng, ngày lễ tết ra chùa, ra đình xin lộc... toàn là địa danh cũ nhưng giờ với tên mới mà cháu được biết.
    Có thể bằng vài lời ngắn ngủi cháu ko thể hiện hết tình cảm và tự hào của mình về quê hương- làng xã.
    Kính chúc bác và gia đình luôn mạnh khỏe,

    Trả lờiXóa