Trang

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

CÁC NHÀ THƠ NHẬN XÉT VỀ BÀI THƯỜNG DÂN


MỘT SỐ NHẬN XÉT CỦA CÁC NHÀ THƠ VỀ THƠ THƯỜNG DÂN CỦA NGUYỄN LONG

Nhà thơ Vũ Quần Phương:

Thơ Nguyễn Long bộc lộ một cảm xúc sâu nặng với người dân quê vất vả lam lũ, những người làm nhiều hưởng ít. Bài thơ Thường dân ca ngợi trong giọng chất chứa đòi lại lẽ công bằng cho người lao động. Ý thơ không mới, nhưng tác giả đã có những câu thơ chững chạc, khái quát cao, có sức ám ảnh: Khi làm cây mác cây chông/ khi thành biển cả, khi không là gì/ thấp cao đâu có làm chi/ cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi...
Làng là nền tảng cảm xúc cho thơ lục bát của Nguyễn Long. Rõ ràng là thể thơ của ca dao đã ảnh hưởng tới hướng chọn đề tài, thậm chí đến điệu tâm hồn người viết. Làng mang vẻ đẹp ngàn đời. Đẹp trong cảnh vật: Đêm ngồi với bạn dưới cây/ vườn làng trăng rắc bạc đầy lối đi. Đẹp trong tình người: Trăm lần triết lý nông sâu/ để ta về lại với câu thật thà. Với Nguyễn Long, làng đã trở thành chuẩn chân lý và người nhà quê mang vẻ đẹp thuần khiết, trong trẻo có sức làm tươi lại, ngây thơ lại những hồn người héo úa cằn cỗi sau những bươn chải giành giật ở đời.
Thơ lục bát Nguyễn Long đã vận dụng thuần thục thế mạnh của bút pháp cổ điển mà hiện nay chúng ta vẫn đang dùng.

                                      (Báo Văn nghệ Trẻ số 24 ngày 15/6/3003)



Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu:
         
Nguyễn Long đoạt giải A cuộc thi thơ lục bát của Tuần báo Văn nghệ năm 2003.
          Có nhiều người làm thơ lục bát nhưng Nguyễn Long đã tạo cho mình một dòng chảy riêng không lẫn với người khác. Dòng chảy ấy khởi nguồn từ mảnh đất làng quê thuần phác, đôn hậu. Tác giả có nhiều bài nói về làng quê với nhiều góc độ khác nhau như: Làng tôi ở phía dòng sông, Về làng, Làng vào vụ gặt, Kiếp làng, Gọi làng, Ở làng Vũ Đại bây giờ... Tác giả viết về đất quê, người quê với bao nhiêu cảnh ngộ chìm nổi vui buồn.
          Có thể dẫn chứng được nhiều câu thơ hay trong tập thơ Thường dân của Nguyễn Long. Tác giả khắc hoạ hình ảnh người thím đơn côi sống quanh quẩn trong làng quê nghèo khó, chỉ đến khi từ giã cõi đời mới được thanh thản siêu thoát: Khổ đau à, khổ đau ơi/ cất xong một gánh phận đời nhẹ tênh/ cầu vồng bảy sắc chênh vênh/ mây giăng chín nhịp gập gềnh thím qua....
          Thơ lục bát của Nguyễn Long có tả, có truyện. Khi tả Nguyễn Long biết chắt lọc, đôi khi chỉ là một nét chấm phá rất gợi mà lồng được tâm trạng riêng. Truyện trong thơ Nguyễn Long thường đi vào cảnh ngộ thân phận nên dễ xúc động lòng người. Có nhiều câu thơ lục bát của Nguyễn Long tưởng như quen thuộc, đơn giản trong nhịp điệu, dễ đọc, dễ hiểu, nhưng thật khó viết. Bởi không sống gắn bó với làng quê, không có hồn quê, chất quê thì không thể có cái nhìn chân thực vừa giầu sức khái quát đến ngần ấy.

                                                (Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 586, tháng 11/2003)


         

Nhà thơ Ngô Văn Phú:

          Thể hiện những con người bình dân, những cảnh đời bình thường nhưng thơ Nguyễn Long đã không bị cái véo von truyền thống, sự dàn trải thường mắc khi làm thơ lục bát. Anh đã tìm được những ý tưởng sâu sắc cho đề tài và bởi cảm xúc mạnh chứa chất từ lâu nên có những bài thơ hay, những câu thơ bỏ bùa mê cho bạn đọc...

           (Văn nghệ Trẻ số 17+18 ngày 27/4/2003)



Nhà thơ Đỗ Bạch Mai:
         
          Tập thơ Thường dân chỉ với 25 bài thơ thôi nhưng đủ để bạn đọc nhận ra giọng thơ riêng của Nguyễn Long, một giọng thơ da diết những âm hưởng dân ca nhưng vang sâu vào lòng người. Có thể nói thơ Nguyễn Long đã góp vào nét mới cho thơ lục bát ở ngôn từ gần gũi, mênh mông mà chứa nhiều hơi thở của cuộc sống...

                                                (Văn nghệ Trẻ số 42, ngày19/10/2003)


Nhà thơ Kim Chuông:


          Thơ lục bát Nguyễn Long là nét vượt trội của khả năng khai thác những câu chuyện bình dị, những thân phận gần gũi mà da diết vang sâu.
Với thể thơ dân tộc quen cũ, dễ sáo mòn, thơ lục bát Nguyễn Long đã góp vào nét mới ở ngôn ngữ, hình ảnh dư vang được lặn chìm loang thấm trước thân phận đời người, trước nhân tình thế thái...

                                     (Tạp chí Nghề báo số 3/2003)








Tran Tam (Quang Ninh)

Tôi đã có dịp ngồi chuyện trò với Nguyễn Long. Thú thật, trước đó tôi chưa nghe nhiều về ông. Cầm tập thơ của Nguyễn Long tặng về đọc, tôi chú ý ngay bài thơ này và cả những bài thơ lục bát của ông trong tập. Tôi cho rằng những bài thơ lục bát của Nguyễn Long đứng song hành với những bài thơ lục bát nổi tiếng của nền văn học Việt Nam những năm đầu đổi mới. Từ bấy đến nay hơn chục năm rồi, tôi chưa có dịp gặp lại ông!


MINH PHÚC
VIỆT NAM LỤC BÁT NĂM NHÀ 

Truyện Kiều giở đọc mỗi khi
Chao ôi, Cụ Nguyễn lâm ly thế này
Say lại đọc, đọc càng say
Đời người - bể khổ - đất dày - trời cao!

Tản Đà - Non Nước kết giao
Nước Non ta mãi non cao nước còn
Ngàn năm chớp bể mưa nguồn
Nước Non ta mãi nước còn non cao.

Nguyễn Bính - Hoa thắm rượu đào
Hồn quê bướm trắng bay vào giấc mơ…

Nguyễn Duy - Đất sỏi cằn khô
Rễ siêng tre tự bao giờ vẫn xanh     
Yêu nòi tre dựng luỹ thành
Yêu quê bám giữ đất lành cha ông.

Nguyễn Long, muôn triệu tấm lòng
Thường dân  là mỗi ta trong cộng đồng
Khi làm cây mác, cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì!
                         *
Ngàn năm rồi sẽ qua đi
Những thiên tuyệt bút vẫn vì Nước Non
Năm nhà lục bát mãi còn
Sáng sông núi Việt, ngọt nguồn thơ ca...
                                                         Hà Nội, 2-10-2010
Thơ Minh Phúc trên trangan.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét