VẺ ĐẸP CỦA THƯỜNG DÂN
Lời bình của NGUYỄN THẾ QUANG (Nghệ An)
Tám cặp lục bát, mười sáu dòng thơ giản
dị mà sao cứ ám ảnh mãi người đọc về bức chân dung Thường dân rất quen mà lừng
lững diệu kỳ.
Đông
thì chât/ ít thì thưa. Bao giờ sự hiện diện của họ cũng có ý nghĩa đối với
cuộc đời. Nguyễn Long dùng hàng loạt hình ảnh vừa rất cụ thể, vừa có sức khái
quát lớn: Khi làm cây mác cây chông/ khi
thành biển cả, khi không là gì. Cây mác cây chông giữ yên bờ cõi, biển cả. Để
tạo sự vững yên, tốt lành cho xã tắc, thường dân bao giờ cũng có vai trò quyết định
trong những biến động của lịch sử. Nguyễn Long khéo tổ chức những hình ảnh quen
thuộc mở ra một trường nghĩa lớn. Nhiều người đã dùng hình ảnh cỏ để chỉ những
thân phận bình thường nhỏ nhoi, Nguyễn Long vẫn dùng hình ảnh đó, nhưng có một ý
tưởng, một phát hiện mới: Thấp cao đâu có
làm chi/ cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi. Trong hành trình dằng dặc của nhân
loại, bao kẻ không còn là thường dân lao vào cuộc tranh chấp, giành giật thấp
cao, danh vọng, quyền lực, làm biến đổi bao thành quách, tiêu ma bao triều đại,
gây lên bao tội ác, biến đổi con người, còn thường dân cỏ vẫn xanh rì cỏ - màu
xanh cốt cách không phai nhạt, không thay đổi, không lẫn lộn với màu sắc nào khác.
Gắn bó với nhân dân, Nguyễn Long phát
hiện được sự phong phú quý báu trong đời sống tâm hồn của người thường dân. Đó
là đức hy sinh đến quên mình: Dốc lòng
cởi dạ cho người mình tin. Đó là một khát vọng sông, một cách sống: Chỉ mong ấm áo no cơm/ chắt chiu dành dụm
thảo thơm ngọt lành. Khát vọng vật chất đơn sơ nhưng hành động đạo lý thì
thật cao đẹp. Chợ đời, chợ trời ồn ào mua bán nổi chìm, thiệt hơn, còn thường dân
kiên trì tìm kiếm, bồi đắp những điều ngọt lành, thảo thơm, rồi dành dụm, nâng
niu giữ gìn chuyển giao cho đời sau.
Cuối bài lại sáng lên màu xanh: Hoà vào trời đất mà xanh. Từ màu xanh
rì, cỏ hoà nhập vào màu xanh trời đất,
khẳng định cốt cách của nhân dân là bất diệt. Nguyễn Long có một sự liên tưởng
tạo nên hình ảnh thơ có sức khái quát lớn để có cái kết thật bất ngờ: Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân. Bao
người không muấm nhận mình là thường dân. Nhưng muốn được, muốn thành, muốn như
thường dân phải vô tư mấy kiếp, phải gạt bỏ được những dục vọng ích kỷ, phải biết
hy sinh cho cuộc sống cao đẹp của con người mới vươn tới cốt cách của thường dân
được. Nguyễn Long khiêm tốn mà kiêu hãnh khẳng định tầm vóc của nhân dân.
Thường dân có một giọng điệu giản dị,
hình ảnh thơ quen thuộc, ngôn ngữ thơ không cầu kỳ nhưng biết tổ chức khéo léo,
tạo nên hình tượng hấp dẫn. Chân dung thường dân quen mà lung linh giầu sức sống,
giầu bản lĩnh, cốt cách sống cao đẹp. Có sức khái quát lớn, Thường dân đạt đến độ
ý sâu nhưng lời dễ, nghĩ khó nhọc nhưng lời ngọt ngào. Đó là thành công xuất sắc
của thơ Nguyễn Long, của thơ lục bát Việt Nam .
(Đăng trên báo Hải Phòng cuối tuần, ngày 10/10/2003)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét