Trang

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

NHÀ VĂN ĐỨC HẬU BÌNH BÀI THƠ THƯỜNG DÂN


THƯỜNG DÂN QUA LĂNG KÍNH LỊCH SỬ, XÃ HỘI

                                                                            Nhà văn Đức Hậu

          Tôi đọc được bài thơ Thường dân của Nguyễn Long khi mới in trên tờ báo của địa phương, và đã ngồi lặng hồi lâu trước trang báo. Sau đó tôi gặp ngay tác giả để nói sự xúc động sâu sắc của mình. Như có một từ trường huyền bí, âm hưởng của bài thơ lan truyền rất nhanh trong công chúng trước khi nó được trao tặng giải A cuộc thi Thơ lục bát của báo Văn nghệ Trẻ.
Do sự cởi mở thái quá về xuất bản trong những năm qua, hàng ngày đọc giả như chìm ngập trong thác lũ thơ, không ít người đã lãnh cảm với thơ và thờ với sự lựa chọn giá trị thơ. Trong bối cảnh đó, Thường dân đi vào lòng người một cách lặng lẽ và ở luôn trong đó như một sự bình dị và thân thiết. Đã có nhiều bài của các nhà thơ, nhà phê bình phân tích, bình luận bài thơ này. Tuy nhiên cũng như các tác phẩm thành công khác, phần nghĩa rộng của bài thơ còn ít được phân tích để thấy hết tính đa tầng về ý nghĩa của tác phẩm.

          Đứng trên hệ quy chiếu lịch sử, xã hội nhân loại, khái niệm thường dân xuất hiện khá muộn. Thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ và thời chiếm hữu nô lệ chưa có thường dân. Chỉ khi nhà nước xuất hiện, xã hội phân hoá thành bộ máy cai trị, cầm quyền và người bị cầm quyền mới có thường dân, bên cạnh khái niệm vua và quan. Dần dần trong tiềm thức xã hội, khái niệm quan lại và thường dân gần như đối lập nhau về quyền và lợi ích. Chính vì vậy khi bài Thường dân xuất hiện, phần lớn đọc giả nhìn nhận theo ý nghĩa đó và cảm nhận Thường dân đồng nghĩa với người dân, những số phận đơn lẻ và cụ thể. Theo ý nghĩa đó dường như bài thơ tổng kết những gì tốt đẹp, vai trò quan trọng của người dân, đồng thời những thiệt thòi tất yếu khi là thường dân. Có thể nói, hiểu như vậy không sai, và đó mới là ý thức trực tiếp của bài thơ. Nghĩa rộng của nó là nói về Nhân dân động lực của lịch sử và cũng là bản thân lịch sử: Khi là cây mác cây chông/ khi thành biển cả, khi không là gì. Bài thơ 16 câu, ngắt nhịp hai câu theo ý mang tính tổng kết, khúc chiết và chặt chẽ đến từng chữ.
Không phải ngẫu nhiên bạn đọc hiểu rằng bài thơ nói về thân phận thiệt thòi của người dân thường. Vì từng ý, từng câu đều nói cụ thể về vai trò, khát vọng bình dị và sự chấp nhận thân phận ấy. Nhưng trong từng ý, từng câu cũng toát lên một tư tưởng, người dân muốn dựa vào chính mình mà tồn tại, mà làm nên chính mình cùng lịch sử: Ăn của đất, uống của trời/ dốc lòng cởi dạ cho người mình tin. Đến hai câu kết, bài thơ được đẩy lên tầm khái quát cao. Thường dân không chỉ nói về người dân mà nói về Nhân dân. Trong trường ca Mặt đường khát vọng, ở chương Đất nước bất hủ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã nói về nhân dân như sau: Nhưng em biết không/ có bao người con gái con trai/ trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/ họ đã sống và đã chết/ không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra đất nước/ họ giữ cho ta hạt lúa ta trồng/ họ truyền lửa qua mọi nhà từ hòn than qua con cúi/ họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi cuộc di dân. Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm/ có nội thù thì vùng lên đánh bại/ để đất nước này là Đất nước của Nhân dân....
          Cũng trên cảm hứng đó, ở hai câu kết bài thơ, tác giả Nguyễn Long đã vượt lên trên cách nhìn lịch sử cụ thể và hữu hạn. Nhân dân ở đây hoà lẫn trong Càn Khôn, đứng ngoài danh lợi, trở thành lịch sử và là bản thân lịch sử bất diệt: Hoà vào trời đất mà xanh/ vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.
                                                          Tam Đảo, tháng 9 – 2006
                                      (Đăng trên báo Lâm Đồng cuối tuần, ngày 13/10/2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét