MỘT BÀI THƠ
HÀM CHỨA TRIẾT LÝ NHÂN VĂN SÂU SẮC
Lời bình của tác giả
NGUYỄN PHƯƠNG THOAN (Nghệ An)
Trước hết phải nói là khen cho con mắt
tinh đời của Báo Văn nghệ khi trao giải Nhất cuộc thi thơ lục bát năm 2003 cho
bài thơ Thường dân của Nguyễn Long
(Thái Bình), một bài thơ hàm chứa triết lý nhân văn sâu sắc.
Lấy đề tài thường dân, lại thể hiện bằng
thơ lục bát, những cái mới liếc qua tưởng như biết rồi, khổ lắm, nói mãi, vậy mà bằng cảm xúc và cách nhìn, cách
nghĩ thật sự thấu đáo thế thái nhân tình nên đã làm cho thi phẩm này lập tức dành
được sự mến mộ của người đọc gần xa. Không chữ nghĩa cao xa “dân vi quý...” (Mạnh Tử), lại càng không
hô hào chung chung (kiểu lấy dân làm gốc), mà chỉ là: Đông thì chật/ ít thì thưa/ chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân. Đúng
lắm thay! đã là kiếp thường dân thì dù ở bất cứ phương trời nào cũng phải bươn đất,
lật cỏ mà sống, chứ chẳng bấu bám, và nhất là chẳng tranh đoạt được chút gì của
ai. Không những thế mồ hôi và nước mắt của người thường dân không chỉ để tay làm
hàm nhai cho riêng mình mà còn phải để dành một phần không nhỏ đóng góp cho sự
tồn tại của xã hội, nên đời nào, kiếp nào cũng thấy thiếu chứ nào có thừa thường
dân. Với những từ chật, thưa, dư thừa
trong hai câu thơ trên thoạt nghe có vẻ hài hước, trào lộng, nhưng ngẫm kỹ mới
thấy nó hàm chứa một điều gì đó thật chua chát, phũ phàng, bởi thân phận tầm thường
của tầng lớp thường dân như thể con ong cái kiến.
Lại nữa: Quanh năm chân đất đầu trần/ tác tao sau những vũ vần bão giông. Lúc
bình thường trời yên biển lặng, người dân cũng đã rất tất bật, vất vả với bao
lo toan bươn chải kiếm sống, nhưng vẫn chưa đáng sợ bằng tai bay vạ gió bất kỳ.
Nào thiên tai, nào địch hoạ, thậm chí có khi chỉ vì một quyết sách sai lầm là lập
tức mọi hậu quả từ đầu đến cuối đều trút lên đầu người dân. Tuy nhiên nếu tứ thơ
chỉ đạt đến mức đồng cảm như đã nêu trên thì chưa hẳn Thường dân đã có được chỗ đứng trong trái tim người đọc. Bằng bút
pháp ý tại, ngôn ngoại, mạch thơ tới đây tưởng như chùng xuống thì bỗng nhiên đột
khởi lên sừng sững gây được ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc, làm cho sự thể hiện vừa súc
tích vừa bao quát nhất vai trò to lớn của thường dân xuyên suốt tiến trình lịch
sử: Khi làm cây mác cây chông/ khi thành
biển cả, khi không là gì. Thiết nghĩ, tác giả vận dụng biểu tượng cây mác, cây chông, biển cả để nói lên sức
mạnh hùng hậu của quần chúng nhân dân tưởng cũng đã đầy đủ. Nhưng với cụm từ không là gì thì mới thực sự là điểm nhấn,
gợi mở biết bao suy ngẫm, thậm chí giật thót mình khi một ai đó luôn tự mình
cho mình là phụ mẫu chi dân, cha mẹ của dân. Phải chăng, cái mà Nguyễn Long gọi
một cách ẩn dụ không là gì ấy, thì cách
đây hơn bốn thế kỷ rưỡi, Nguyễn Trãi (1380 – 1442) đã từng ví nó như sóng nước
của đại dương: đỡ thuyền hay lật thuyền đều
từ đó mà ra - tức ám chỉ sức mạnh to lớn của nhân dân. Nhưng đồng thời xét ở
góc độ hưởng thụ (đãi ngộ) thì không là
gì cũng đồng nghĩa với không có gì,
cho nên: Thấp cao nào có làm chi/ cỏ ngàn
năm vẫn xanh rì cỏ thôi.
Chắc chẳng phải ngẫu nhiên mà từ cỏ được lặp lại hai lần ở câu thơ trên.
Nó làm ta liên tưởng đến hai chữ thảo dân
mà thời xưa có việc bất tắc dĩ phải tìm tới nơi công quyền, người dân đều tự xưng
như vậy. Nó đồng nghĩa với từ lê dân –
dân đen, cũng tức là dân thường vốn chẳng có một chút chức tước, địa vị gì
trong xã hội. Bởi hiểu được thân phận mình như thế, cho nên mọi danh lợi ở đời,
người dân chẳng chút tơ màng: Mặc ai mua
bán nổi chìm thiệt hơn. Với triết lý thật độc đáo này, nếu gắn nó với ý nghĩa
của câu thành ngữ hết quan hoàn dân
thì mới thấy hết được cái ý vị tưởng như hài hước mà lại rất xác đáng của câu
thơ kết. Sự đời xưa cũng như nay, không ít kẻ khi may mắn được cất nhắc lên ghế
chức quyền thì chỉ còn biết lo làm sao để vinh
thân phì gia, còn với dân thì sống
chết mặc bay. Thậm chí còn cao ngạo hống hách, coi dân như cỏ rác nên khi hết
mà đương nhiên hoàn thì cực khó. Gía như hạng người này từng biết sống vô tư, tức
hoà đồng với quần chúng thì đâu đến nỗi lúc trở về với đời thường lại không sao
thường được để rồi biến mình thành một cô hồn lạc lõng giữa thế gian.
Thay lời kết: Âu Dương Tu, một học giả nổi
tiếng đời Tống từng có câu nói (đại ý): Thơ
không làm cho người ta khổ, nhưng có lẽ khi người ta gặp phải vận cùng thì thơ
mới hay. Phải chăng với Nguyễn Long để có được bài Thường dân đặc sắc này thì chí ít về mặt tư duy cũng đã vận cùng, với
biết bao bức xúc, trăn trở trong cảm xúc: Hoà
vào trời đất mà xanh với nhân thế, nhân quyền.
Bởi trân trọng cái tâm ấy mà xin mạo muội
có lời bình này.
(Đăng trên
Văn nghệ Trẻ số 49 (471) ngày 4/12/2005)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét