Trang

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

THƠ LÂM NGUY

THƠ LÂM NGUY

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Nửa đầu tháng 8/2012 có hai vụ việc về thơ.

Vụ thứ nhất là tập Thi vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận. Đó là một tập thơ bình thường, có thể nói là tầm thường nữa. Ai thăm chùa vãn cảnh có hứng sinh tình có thể viết thơ ghi lại cho mình, thơ viết về chùa tất có địa danh phong cảnh chùa, có ngôn ngữ chùa, nhưng chỉ ghi vào mấy cái tên, mấy từ ngữ mà bảo thơ đó là có đạo, có thiền thì lại nhầm lớn, sai nặng. Mà còn phải xem đó có phải là thơ, hay chỉ là những câu văn vần ghép lại, nhất là khi người viết muốn in thành tập và phổ biến. Còn như người viết tự cho là mình được thần nhập thì là chuyện huếnh hoáng của cá nhân, nói ra chẳng bõ làm trò cười cho con trẻ. Cốt là văn bản thơ, là văn tự in ra trên giấy. Mà đọc vào đó thì tôi nói rồi, Thi vân Yên Tử là tập thơ, đành phải gọi vậy, đến mức tầm thường, tán chuyện chùa chiền lung tung, lăng nhăng. Cách đây vài ba năm, Hoàng Quang Thuận đã bắt trường đại học Quảng Bình hội thảo rùm beng về tập này. Một giảng viên gọi điện cho tôi hỏi thực chất thứ thơ đó, tôi bảo tầm phào, ở Hà Nội không ai nghe biết. Vậy cớ gì những nhà thơ biết làm thơ biết đọc thơ biết thẩm thơ ở một hội chuyên môn thơ văn của cả nước lại khen ngất trời, lại hội thảo ầm ĩ? Tôi chịu không biết những lý do ẩn đằng sau vụ này. Khi vụ việc xảy ra nhiều báo hỏi tôi, tôi bảo không muốn dây vào cái chuyện lố bịch. Tôi chỉ thấy sự đọc thơ thoát ly văn bản, bất chấp văn bản để nói lấy được, khen lấy được như vậy là một sự nhảm nhí, nhố nhăng. Và tôi gọi đó là cơn mê lú tập thể.


Vụ thứ hai là bài thơ “Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân” của nhà thơ Đàm Chu Văn (Đồng Nai). Đây là một bài thơ khá hay, chất chứa nỗi buồn của con người trước môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái văn hóa đang bị tàn phá, ô nhiễm, khiến cho quan hệ con người và tự nhiên, con người và con người bị mất cân bằng, bị chao đảo. Bài thơ làm lời cây tâm sự buồn nhưng đưa lại được những hiệu ứng thẩm mỹ tích cực cho người đọc để sống nhân ái hơn, tốt đẹp hơn với thiên nhiên, với đồng loại. Vậy mà một nhà thơ nữ tên Trần Thu Hằng cũng ở Đồng Nai đã lên tiếng phê phán bài thơ đó mà điều đáng nói là lời phê lại quy chụp chính trị cho tác giả và tác phẩm. Điều này là một sự bất bình thường đáng sợ và đáng căm phẫn. Một tác phẩm văn học để ngỏ cho nhiều cách đọc, nhưng phải là cách đọc văn chương, theo hệ quy chiếu văn chương, bằng những tiêu chí văn chương. Văn học nước nhà đã một thời gian dài có lắm vụ việc quy kết, chụp mũ tư tưởng chính trị cho truyện ngắn này, bài thơ kia, mà đến khi cởi bỏ được, giải oan được, thì tác giả thậm chí đã thân tàn ma dại. Chúng ta đã thoát khỏi tình trạng đó từ thời đổi mới do bầu không khí tư tưởng của xã hội đã được thông thoáng, cởi mở hơn. Không ngờ một nhà thơ nghe đâu còn trẻ, nghe đâu vừa mới được vào hội nhà văn trung ương, lại vẫn cố ý đọc thơ theo cái cách cũ kỹ và nguy hiểm như vậy. Và tôi gọi đó là sự ngộ độc cá nhân. Cũng không ngờ ban tuyên giáo Đồng Nai thay vì giao cho hội văn học nghệ thuật tỉnh, nhất là chi hội văn học, bàn luận phân tích bài thơ dưới góc độ văn học, thì lại đã tổ chức một cuộc “đối thoại” (thực chất là truy bức nhà thơ) kéo dài bốn giờ liền.

Thơ lâm nguy vì thơ dở được tung hô và thơ hay bị đấu tố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét